Friday, July 22, 2005

CHƯƠNG TRÌNH PROG CAFFE TỐI THỨ NĂM HÀNG TUẦN - TUẦN 7....

TUẦN 7 - ELOY




(Xin phép từ bài viết này "em" đổi xưng hô thành "tớ" :D)

Sở thích về âm nhạc của tớ là Classic Rock và Prog Rock còn sở thích về văn học của tớ là các tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm và viễn tưởng. 2 nhà văn tớ yêu thích nhất là Jules Verne và H.G.Wells. Jules Verne có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều vì những tác phẩm của ông có thể tìm được ngay cả ở một hàng sách cũ nhỏ trên đường Láng hay trên kệ sách thiếu nhi của nhà xuất bản Kim Đồng.

CHÂN DUNG JULES VERNE.....


Còn cái tên H.G.Wells có lẽ là chìm hơn một chút, ông viết ít hơn Jules Verne và dường như người ta nhắc đến Wells(sách tiếng việt thường dịch là Oen Xơ) thì người ta sẽ nhắc tới tác phẩm Máy Thời Gian kinh điển.

NHÀ VĂN H.G.WELLS, TÁC GIẢ CỦA "MÁY THỜI GIAN"....


Cuốn sách "Máy Thời Gian" cũ mèm của tớ là lượm được (nói là lượm là vì giá tiền chỉ có 4 nghìn) ở một hàng sách cũ kiêm mua bán tiền xu ở trên đường Bưởi đoạn gần công viên Thủ Lệ. Cuốn Máy Thời Gian kể về một chuyến du hành thời gian với lý luận thời gian là chiều thứ tư của Không-Thời Gian, nếu không có thời gian tồn tại thì bất kì một hình ảnh nào, một sự kiện nào cũng không thể xảy ra.Như vậy ở một phương diện nào đó chiều thời gian có vai trò như 3 chiều còn lại, 3 chiều không gian đều có thể tiến lên và lùi xuống vậy thì tại sao lại không thể làm điều như vậy với chiều thứ tư. Tác phẩm mang tính chất viễn tưởng nhưng sau này phần nào được trở thành hiện thực với thuyết tương đối của Albert Einstein.

BÌA CUỐN TIỂU THUYẾT MÁY THỜI GIAN CỦA WELLS.


Nếu nói thêm nữa thì sợ là đây không là một bài viết về Prog Rock nữa, sự liên hệ của 2 điều tưởng chừng không mối liên quan này lại nằm ở trong tác phẩm Máy Thời Gian của Wells. Trong tác phẩm này, một chủng người của thế hệ tương lai mà nhà du hành thời gian gặp trong chuyến đi của mình được Wells đặt cho cái tên là ELOI. Lấy cảm hứng từ cái tên này, một ban nhạc ở Đức mới hình thành vào năm 1969 mà sau này trở thành một tên tuổi lớn của Prog Rock đã đặt tên cho ban nhạc là ELOY (chơi chữ đổi I thành Y như Beatles đổi "e" thành "a" hay như Megadeth thì bỏ cả chữ "a" đi). Khi mới thành lập ELOY chưa có nét đặc trưng riêng của mình như sau này mà mang nặng ảnh hưởng của The Shadows và The Beatles nhồi nhét trong một thứ Hard Rock khô ráp, nhưng nhanh chóng tìm được hướng đi riêng của mình trong cộng đồng Prog Rock ...một chất Prog Rock mang hơi hướng Space và tiêm nhiễm một chút Pink Floyd.

Con đường âm nhạc của Eloy cũng đi vào các ngã rẽ khá nhiều lần và có đội ngũ thành viên không ổn định, nhưng vẫn mang phong cách riêng được tạo dựng bởi linh hồn của ban nhạc là tay guitar kiêm vocal và chịu trách nhiệm sáng tác là Frank Bornemann.

BÌA ALBUM ĐẦU TAY MANG TÊN ELOY.....


Album đầu tay mang cùng tên ban nhạc được đón chào khá nồng nhiệt tại Đức nhưng chưa vươn được ra nước ngoài. Nhưng ngay ở album thứ hai mang tên "Inside", Eloy bắt đầu chinh phục làng Prog Rock bằng chất space-rock phiêu diêu. Bản nhạc Land of Nobody với độ dài 17 phút trong album "Inside" làm chúng ta gợi nhớ đến chất nhạc thời kì đầu ngọt ngào của Genesis hay êm ái du dương trong tiếng Flute của Thick As A Brick của Jethro Tull. Đóng góp cho thành công của album này phải nhắc tới tay keyboard cộng tác cùng Frank là Manfred Wieczorke, tiếng keyboard như rú gọi của sói đồng hoang đã cộng hưởng cùng tiếng space-rock guitar của Frank Bornemann.

BÌA ALBUM THỨ HAI ĐÁNH DẤU SỰ THÀNH CÔNG CỦA BAN NHẠC ELOY MANG TÊN INSIDE(PHÍA TRONG)


Thành công tiếp theo sau Inside là tuyệt tác nữa của Prog Rock là album Floating. Vẫn với sự đóng góp chủ đạo của Frank và Manfred Wieczorke, nếu ai sành Prog Rock thì có thể nhận ra Manfred sau này là thành viên trong ban nhạc JANE. Với Floating, 2 bản nhạc nổi lên như một cột mốc là bản nhạc tiêu điểm của album dài 14 phút The Light From Deep Darkness (Ánh sáng từ màn đêm sâu thẳm) và bản nhạc dài 8 phút được đánh giá là sáng tác hay nhất album là Castle In The Air (Lâu đài trên không).

BÌA ALBUM FLOATING CỦA ELOY.....


Kế tiếp là một concept album mang tên Power and The Passion (Quyền lực và Tham vọng). Tuy nhiên album này mang tính chất thơ hơn là phong vị âm nhạc, những bài thơ được đọc trên nền nhạc âm u...Theo tớ đánh giá thì album này có tính chất mới lạ nhưng không phải là một album hay.

BÌA ĐĨA ALBUM QUYỀN LỰC VÀ THAM VỌNG CỦA ELOY


Thời kỳ hoàng kim của Eloy có lẽ bắt đầu từ năm 1976 với sự ra đời của album Dawn (Bình Minh), với việc thay đổi toàn bộ thành viên trừ linh hồn trụ cột là Frank Bornemann. Đội ngũ cho xuất xưởng album này thì phải kể đến tay keyboard kiêm guitar Detlev Schmidtchen, người đã đóng góp vào bằng những âm thanh quyến rũ mang chất Symphonic của metrollon, keyboards. Còn Frank tập trung vào phần vocal và ở album này giọng ca của anh mang nhiều nét của David Gilmour (Pink Floyd). Album Bình Minh nếu để giới thiệu một cách dễ nhớ thì là một sự pha trộn hoa mỹ của Pink Floyd ở thời kì Dark Side Of The Moon với nhạc của King Crimson thời kì đầu của In The Court Of Crimson và pha thêm 1 tách YES.

BÌA ALBUM BÌNH MINH CỦA ELOY....


Thời kỳ này nói là hoàng kim hẳn không sai khi album tiếp theo với cái tên OCEAN (Đại Dương) đã vùng vẫy trong thế giới Prog Rock kể từ khi ra đời đến bây giờ.

BÌA ĐĨA ALBUM ĐẠI DƯƠNG CỦA ELOY.......


Một concept album chỉ với 4 ca khúc nhưng đều trở thành nổi tiếng của Prog là Poseidon's Creation (Sự sáng tạo của thần biển) dài 11 phút, siêu phẩm Incarnation of the Logos (Sự hiện thân của Logos), Decay of the Logos (Sự suy tàn của Logos)và bản nhạc 15 phút Atlantis's Agony (Sự hấp hối của thành phố Atlantis). Xin được dừng lại một chút ở album này để nói rằng theo tớ đây chính là album đỉnh cao nhất của ELOY. Là album đầu tiên nên kiếm về kệ đĩa khi định tìm hiểu ELOY.


BÌA ALBUM TIẾNG KHÓC THẦM LẶNG VÀ SỰ VANG VỌNG HÙNG VĨ....


Album Silent Cries And Mighty Echoes (Tiếng khóc thầm lặng và sự vang vọng hùng vĩ), chỉ mới nghe tên thôi chúng ta có thể thấy rằng album này đi theo chiều hướng của Pink Floyd ...âm nhạc của album này không so sánh được với album Đại Dương trước đó nhưng lại là tiền đề cho một tuyệt tác thứ 2 của Eloy sau Đại Dương là album COLOURS (Sắc màu) ra đời vào năm 1980.

BÌA ĐĨA ALBUM SẮC MÀU CỦA ELOY....


Về cá nhân thì album Sắc màu của Eloy có nhiều kỉ niệm với tớ hơn, về điều này tớ sẽ viết cụ thể hơn trong một bài viết về những người bạn trong cuộc sống bình thường của tớ (đang ấp ủ, sẽ cố để viết sớm). Album Sắc màu mang sắc thái Heavy-Metal và những ý tưởng thấm nhuần từ Alan Parsons Project, đúng như tên gọi Sắc màu, album đã được nhuốm bằng những màu sắc âm nhạc khác nhau.

ELOY THỜI KÌ 1977....


Hết Bình Minh, Đại Dương, Sắc Màu...đứa con tinh thần chỉ mang 1 chữ tiếp theo là Planets (Các Hành Tinh) phát hành vào năm 1981. "Các Hành Tinh" lại tiếp tục chuỗi album dạng concept của Eloy hơi phụ thuộc quá nhiều vào tiếng Synthesizer và ít nhân tố mới so sánh với các album trước đó, ngoài 2 yếu điểm đó ra Planets vẫn là một bức tranh sống động và 1 một bề sâu tầm cỡ.

BÌA ĐĨA ALBUM CÁC HÀNH TINH CỦA ELOY...


Time To Turn (Đã đến lúc chuyển) là một bước tiếp theo của "Các Hành Tinh" với chất concept nặng nề và vẻ bao trùm của tiếng synthesizer mà lờ đi vẻ đẹp của lyric. Được nối tiếp bằng Performance (Màn trình diễn) vào năm 1983 và Metromania (Hội Chứng Nghiện Làm Thơ) vào năm 1984 bắt đầu được sử dụng nhiều hiệu ứng của âm thanh điện tử và các giai điệu khoan thai. Âm nhạc của Eloy lúc này trở nên mềm mại hơn và dễ nghe hơn.

Eloy tan rã sau đó nhưng Frank Bornemann lại làm Eloy sống dậy vào cuối thập kỉ 80 khi cộng tác với tay Keyboard Micheal Gerlach. Album mang cái tên khá kì lạ "RA" ra đời vào năm 1988 là một bước chuyển hoá dịu dàng hơn so với các album trước. Điểm nhấn của thời kì này cũng chỉ là album RA này, album tiếp theo là Destination (Điểm đến) và The Tides Return Forever (Thuỷ Triều Trở về mãi mãi) không đạt thành công như mong muốn, không hiểu ý tưởng Return Forever thế nào chứ sau album này là lại chấm dứt một thời kỳ.

ELOY CỦA THẬP KỈ 90, LÀM KHƠI DẬY PROG ROCK BẰNG ALBUM ĐẠI DƯƠNG II

Vào năm 1998 thì một nỗ lực níu kéo thời hoàng kim bằng album Đại Dương II, cũng là một album đáng nghe với lý luận Gừng càng già càng cay.

BÌA ĐĨA ALBUM ĐẠI DƯƠNG II CỦA ELOY.......


MỘT SỐ BẢN NHẠC CỦA ELOY TRÍCH RA TỪ CÁC ALBUM TIÊU BIỂU....

1.ELOY - INCARNATION OF THE LOGOS (ALBUM ĐẠI DƯƠNG)

2.ELOY - ILLUMINATIONS (ALBUM SẮC MÀU)

3. ELOY - THE MIDNIGHT FIGHT/THE VICTORY OF THE MENTAL FORCE (ALBUM BÌNH MINH)

No comments:

Post a Comment