Classic Rock, Prog Rock World of TienQueen

Đây là một Blog về Classic Rock và Progressive Rock của Đoàn Lương Tiến (TienQueen, Kashmir), hiện đang là sinh viên năm thứ 3 ngành Computer Engineering khoa Computing của trường Đại học Quốc Gia Singapore. Mong các bạn tìm thấy ở đây một góc nhỏ để thả hồn vào cùng Classic và Prog Rock!

I wrote above lines when i was a sophomore, i'd like to keep that. Just a corner for my Prog n Classic Rock thoughts. Now I don't blogging much, follow me on twitter: tienqueen.

Friday, August 12, 2005

Hôm nay tớ tình cờ đọc được bài viết rất công phu và ấn tượng về Nhạc trẻ Việt Nam vào giai đoạn thập kỉ 60 tới đầu 70 của nhạc sĩ Trường Kỳ, một người đã từng góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nhạc trẻ Việt nam vào giai đoạn này. Giờ đây ở thế kỉ 21 khi nhìn lại quãng thời gian này có thể nói rằng Việt Nam cũng thực sự có một Classic Rock Việt Nam của riêng mình. Tớ chỉ đề cập đến âm nhạc, không hề và cũng không muốn nói đến chính trị ở đây mặc dù nó cũng ảnh hưởng khá nhiều. Sau đây tớ xin phép đăng bài viết "NHÌN LẠI NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA PHONG TRÀO NHẠC TRẺ VIỆT NAM" của nhạc sĩ Trường Kỳ. Cảm ơn Hải Havatage vì giới thiệu bài viết này cho tớ.

KỶ NIỆM 40 NĂM NHẠC TRẺ VIỆT NAM

NHÌN LẠI NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA PHONG TRÀO NHẠC TRẺ VIỆT NAM


.

Bài viết dưới đây do Trường Kỳ viết vào khỏang năm 2004, sau này ông có chỉnh sửa lại chút ít, thêm vào nhiều audios nhạc quý hiếm của thời xưa, và phát thanh trong chương trình Nghệ sỹ Và Đời Sống của Đài VOA trong tháng 8 và 9-2004.

Bạn có thể thay vì đọc, có thể download những files audios dưới đây :
Ảnh hưởng nhạc Pháp 1, hoặc ở đây
Ảnh hưởng nhạc Pháp 2, hoặc ở đây
Ảnh hưởng nhạc Anh Mỹ 1(RA), hoặc ở đây (MP3)
Ảnh hưởng nhạc Anh Mỹ 2 (RA), hoặc ở đây (MP3)
Phong trào Việt hóa nhạc trẻ 1, hoặc ở đây
Phong trào Việt hóa nhạc trẻ 2, hoặc ở đây

hoặc có thể download tất cả 6 file audios trên : http://www.megaupload.com/?d=382GHF4C (70 MB)
.

TRƯỜNG KỲ

Để tặng tất cả các bạn cùng hoạt động trong “một thời nhạc trẻ”, từ những ngày đầu.
Để tặng những bạn trẻ thuộc thế hệ sau, muốn tìm hiểu về phong trào Nhạc Trẻ Việt Nam.


.

Thấm thoát đã trên đưới 40 năm, kể từ ngày phong trào Nhạc Trẻ Việt Nam được hình thành vào đầu thập niên 60 tại nam Việt Nam, với điểm phát xuất chính là Sài Gòn. Thật ra trước đó vào cuối thập niên 50, phong trào đó đã bắt đầu nhen nhúm. Nhưng phải đợi đến những năm 63, 64 nhạc trẻ mới thật sự gây được chú ý nơi những người trẻ tuổi cùng một lúc với sự phát triển của phong trào này tại những quốc gia như Pháp, Hoa Kỳ, Anh Quốc cùng nhiều quốc gia Âu Mỹ khác. Nói đến nhạc trẻ, hầu như ai cũng liên tưởng đến Hoa Kỳ là nước khai sinh ra nhạc Rock, nhạc Pop - vào thời đó được gọi một cách tổng quát là kích động nhạc và sau đó là nhạc trẻ - là loại nhạc được những người trẻ tuổi ưa thích. Và cũng chính Hoa Kỳ là nước đầu tiên đã dấy lên làn sóng nhạc trẻ khắp nơi trên thế giới. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm phong trào Nhạc Trẻ Việt Nam vào năm 2004, bài viết này mời bạn đọc quay về những ngày đầu tiên với những giai đoạn quan trong đã gây nhiều ảnh hưởng đến phong trào này, trước khi hội nhập vào dòng âm nhạc Việt Nam...
.


1- ẢNH HƯỞNG NHẠC PHÁP TRONG PHONG TRÀO NHẠC TRẺ VIỆT NAM


Do một bối cảnh lịch sử và xã hội đặc biệt với sự có mặt của người Pháp trên một trăm năm, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng ở nền văn hoá của quốc gia này một cách nặng nề. Chỉ riêng trong lãnh vực ca nhạc, thế hệ đi trước đã mê mệt với những tên tuổi như Tino Rossi, Josephine Baker, Edith Piaf, vv... Rồi dần dần đến lớp sau với nhiều danh ca khác. Đặc biệt, về phía nữ ca sĩ trong thời kỳ này, người có ảnh hưởng hơn cả vào cuối thập niên 50 tại Việt Nam không ai khác hơn là Dalida, một nữ ca sĩ Pháp gốc Ai Cập, từng đến Sài Gòn vào năm 1958 và đã qua đời cách đây khá lâu. Những người yêu nhạc chắc chắn không thể quên được những nhạc phẩm đã gắn liền với tên tuổi Dalida như: Bambino, Parlez-Moi D’Amour, Gondolier, Romantica, Dans Les Rues De Bahia, Histoire D’Un Amour, Romantica, Ciao Ciao Bambina,v v...

Người ta cũng thể không nhắc tới Charles Aznavour, người nam ca sĩ gốc Armenian với rất nhiều nhạc phẩm quen thuộc, trong số có Et Pourtant, La Bohême, Que C’est Triste Venise, Désormais, vv...

Thêm vào đó là một lực lượng đông đảo những giọng ca tên tuổi khác như Gilbert Becaud, Juliette Greco, Charles Trenet, Yves Montand, ...trong những thập niên 40, 50 đã tạo được một ảnh hưởng lớn mạnh nơi thế hệ cha anh cho đến khi người Pháp rút khỏi Việt Nam vào năm 1954. Tuy vậy ảnh hưỏng có tính cách văn hoá đó vẫn còn tồn tại mặc dù việc du nhập những sản phẩm văn hoá phương Tây vào Việt Nam không còn ồ ạt như trước đó.

Qua đến những năm đầu thập niên 60, khi có sự xuất hiện của những thần tượng trẻ trên khắp thế giới, nền ca nhạc của Pháp đã được du nhập vào Việt Nam, đúng ra là Sài Gòn, qua vài cửa tiệm bán sách và đĩa nhạc, chẳng hạn như nhà sách Albert Portail ( tức Xuân Thu sau đó ) và tiệm bán đĩa nhạc Anna trên đường Lê Lợi. Cùng một lúc những đĩa nhạc và sách báo còn được du nhập vào Sài Gòn từ những học sinh theo học chương trình Pháp tại các trường như Jean Jacques Rousseau, Marie Curie, Taberd, Saint Paul hay Couvent Des Oiseaux, vv...Do chịu ảnh hưởng nặng nề lâu đời của nền văn hoá Pháp, nhạc Mỹ chưa có chỗ đứng tại Việt Nam trong thời kỳ này cho đến khi theo những người lính GI’s đặt chân đến miền nam Việt Nam vào khoảng giữa thập niên 60 với những chương trình ca nhạc truyền thanh và truyền hình dành cho quân đội Hoa Kỳ. Trong khi đó những tên tuổi của làng nhạc trẻ Pháp Quốc đã trở thành những thần tượng của giới trẻ Việt Nam. Chẳng hạn như Sylvie Vartan. Người nữ ca sĩ Pháp gốc Bulgarie với mái tóc cắt ngắn vén ra sau hai bên tai đã trở thành khuôn mẫu thời trang cho giới trẻ Pháp Quốc và miền nam Việt Nam, đặc biệt nơi những thành phố lớn như Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ, vv...”Mái tóc Sylvie” đã là một biểu tượng của giới trẻ yêu nhạc thời trang được goị là những yéyés. Những nhạc phẩm do Sylvie Vartan trình bày như Tous Mes Copains, Locomotion, Quand Le Film Est Triste, , vv...đã nhanh chóng được các ca sĩ nhạc trẻ Việt Nam cất tiếng hát. Một thời gian sau, Sylvie Vartan vẫn tiếp tục làm mưa làm gió với những : La Maritza, La Plus Belle Poyr Aller Danser, Si Je Chante, Moi Je Pense Encore A Toi, vv...


Sylvie Vartan - Francoise Hardy - France Gall


Ảnh hưởng nhạc Pháp (tiếp theo)
.

Trong số những nữ ca sĩ của nhạc trẻ Việt Nam trong thời kỳ đầu tiên này có Nicole PiétriHélena được coi là 2 giọng ca nữ tiên phong của nền nhạc trẻ Việt Nam. Cả hai đều là nữ sinh Marie Curie, từng hợp tác với nhiều ban nhạc trẻ qua những nhạc phẩm lời Pháp. Tuy nhiên Nicole Piétri chỉ xuất hiện trong một thời gian rất ngắn ngủi để sau đó lên đường về Pháp. Chỉ còn lại Hélena, một thời là ca sĩ chính của ban nhạc The Teddy Bears. Helena đã gây được nhiều chú ý trong buổi dạ hội mừng Cách Mạnh Thành Công do Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng tổ chức vào đầu tháng 11 năm 1963, sau khi được chính tướng Tôn Thất Đính mời khai mạc buồi dạ vũ. Helena sau đó một thời gian cũng lên đường sang Pháp và hiện cư ngụ tại Paris. Buổi đại nhạc hội tổ chức tại nhà hàng Đại Kim Đô này được coi như cái mốc quan trọng của phong trào nhạc trẻ Việt Nam với sự tham dự của nhiều ban nhạc trẻ nổi tiếng nhất thời đó là Les Vampires, Les Fanatiques, The Black Caps, The Rockin’Stars, The Teddy Bears, vv...

Nếu Sylvie Vartan tạo được cho mình một hình ảnh đẹp với “mái tóc Sylvie” và cái miệng xinh xắn để lộ hai chiếc răng cửa như răng thỏ rất dễ thương thì Francoise Hardy với dáng dấp cao và gầy gò cùng một vẻ trí thức, đã chinh phục được giới trẻ Việt Nam với cặp mắt kính gọng đen và mái tóc dài xõa hai bên bờ vai. Những nhạc phẩm do cô trình bày như Tous Les Garcons Et Les Filles, J’Suis D’Accord, Le Temps De L’Amour, Mon Amie La Rose, Ton Meilleur Ami, Qui Aime – T- Il Vraiment, vv...đã trở thành những “hits” rất được giới trẻ yêu thích tại Việt Nam.

Liền sau đó ở Sài Gòn đã có thêm một giọng ca nữ tên Francoise Hằng, cũng với mái tóc xõa dài và cặp kính gọng đen, chuyên trình bày những nhạc phẩm của thần tượng mình là Francoise Hardy. Vài năm sau là sự xuất hiện của Thanh Lan, được coi như giọng ca nữ trình bày những nhạc phẩm lời Pháp chuẩn xác nhất. Cô nữ sinh Marie Curie này được coi như một đóng góp đáng kể trong thời kỳ đầu tiên của nền nhạc trẻ Việt Nam là thời kỳ còn mang tính cách hoàn toàn tài tử cho đến khi xuất hiện những Club dành riêng cho quân nhân Mỹ trong các căn cứ quân sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn và rải rác khắp miền nam Việt Nam.

Ngoài ra còn phải kể đến những giọng ca nữ của Pháp rất được mến mộ trong những năm đầu thập niên 60 như Sheila với nhạc phẩm L’Eùcole Est Finie. Nhưng phải đợi đến khi nhạc phẩm Bang Bang được chuyển sang lời pháp từ nhạc phẩm cùng tên của Mỹ do Cher trình bày trước đó, thì tên tuổi Sheila mới nổ bật. Hoặc một nữ ca sĩ trẻ của Pháp khác là France Gall, với những nhạc phẩm Ne Sois Pas Si Bête, Attends Ou Va T’En và nhất là Poupée De Cire Poupée De Son, vv...một thời đã trở thành thần tượng của giới trẻ Việt Nam. Đó cũng là những nhạc phẩm đã gắn liền với tên tuổi của “France Gall Việt Nam” là Berthe Ngọc Bích, một nữ sinh trường Saint Paul, từng được bầu là giọng ca nhạc trẻ dễ thương nhất của Teenager’s Club vào năm 1965. Berthe Ngọc Bích chính là Bích Trâm, vợ nam tài tử Nguyễn Chánh Tín sau này.

Về phía nam ca sĩ, nếu từng theo dõi sinh hoạt nhạc trẻ Việt Nam từ những ngày đầu, khó ai quên được tiếng hát của Jacky, ca sĩ chính của ban nhạc Les Vampires là một trong vài ban nhạc tiên phong ở Việt Nam. Nhạc phẩm Parce Que Tu Sais được coi như nhạc phẩm dính liền với người ca sĩ lai Pháp chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn trước khi trở về mẫu quốc. Cùng thời với Parce Que Tu Sais, còn có một số nhạc phẩm được trình bày bởi ban nhạc trẻ Pháp nổi tiếng Les Chaussettes Noires đã trở thành những nhạc phẩm ruột của Công Thành, Elvis Phương, Paolo trong thời gian đầu tiên của nhạc trẻ Việt Nam như : Chérie, Oh Chérie!, Ca Ne Peut Plus Durer Comme Ca, Tu Parles Trop, vv...

Như đã nói ở trên, hầu hết những ca sĩ trẻ xuất hiện trong những năm đầu tiên của nhạc trẻ Việt Nam xuất thân từ những trường Pháp Trừ một vài người, trong số có Cathy Kim Dung, một cựu nữ sinh Gia Long, do đó họ đã chú tâm vào việc trình bày những nhạc phẩm lời Pháp, theo sự đòi hỏi của phong trào đang thời kỳ phát triển.

Tại Pháp Quốc, Johnny Hallyday trở thành thần tượng – một “idole des jeunes” - của lớp trẻ yéyé, tuy nhiên ở Việt Nam anh lại không được ưa chuộng bằng những giọng ca nam như Christophe với nhạc phẩm Aline, từng gây sóng gió trong giới trẻ yêu nhạc tại Việt Nam cùng với một số nhạc phẩm khác như Les Marionnettes, Je Suis Parti, Tu N’es Plus Comme Avant, Main Dans La Main, vv...

Một nam ca sĩ khác là Hervé Villard với những nhạc phẩm một thời khiến giới trẻ say me như Capri, C’est Fini, Mourir Ou Vivre, Fais La Rire, J’ai Envie, vv... cũng đã trở thành một ca sĩ được mến mộ rất nhiều...

Phong trào yêu thích nhạc trẻ tại Pháp còn được sự hỗ trợ mạnh mẽ bằng sự ra đời của tạp chí ca nhạc đặc biệt dành cho giới trẻ là “Salut Les Copains” vào năm 1963, đánh dấu cho giai đoạn được gọi là yéyé, tạo thành một cuộc cách mạng về văn hoá lớn mạnh theo sát trào lưu tại các “siêu cường” về nhạc trẻ là Mỹ và Anh. Tuy nhiên phương tiện truyền thông thời đó tại Việt Nam còn quá eo hẹp nên giới trẻ tại đây chưa được tiếp xúc nhiều với nền ca nhạc của hai quốc gia này cho đến vài năm sau. Mang nặng ảnh hưởng của nền văn hoá Pháp, dù sau đó có bị nhạc Anh hay Mỹ xâm nhập, nhưng một số giới trẻ Việt Nam hình như vẫn cảm thấy gắn liền với những Art Sullivan ( Ensemble, Adieu Sois Heureuse, Jenny Lady) , Michel Sardou ( La Maladie D’amour ), Claude Francois ( Belles, Belles, Belles; Comme D’Habitude, DonnaDonna, Si J’Avais Un Marteau ), Enrico Macias ( Adieu Mon Pays, La Femme De Mon Ami, Paris Tu M’As Pris Dans Tes Bras vv..), Pascal Danel ( Les Neiges Du Kilimandjaro), Claude Jerome ( Himalaya, La Petite Fille 73, C’Est Moi, vv...)

Điểm đặc biệt những nhạc phẩm lời Pháp thịnh hành tại miền nam Việt Nam thời đó đa số là những nhạc phẩm tình cảm êm dịu, lãng mạn va thơ mộng với những lời ca giản dị, không chút cầu kỳ.

Đặc biệt trong nửa đầu thập niên 70, mặc dù đang bị nhạc Mỹ và Anh thao túng mãnh liệt cùng với sự xâm nhập càng ngày càng ồ ạt vào miền nam Việt Nam những băng đĩa và sách báo về nhạc, khác hẳn với tình trạng hiếm hoi đối với nhạc pháp trước đó. Nhưng những nhạc phẩm lời Pháp do Jean Francois Michael trình bày vẫn mạnh dạn ra sức chống trả và tạo được thành công, trong số có nhạc phẩm Adieu Jolie Candy được rất nhiều người ưa chuông. Ngoài ra còn phải kể đến Je Veux Vivre Auprès De Toi, Si L’Amour Existe Encore, vv...Riêng với nhạc phẩm Adieu Jolie Candy, tiếng hát của Paolo, một học sinh trường Jean Jacques Rousseau đã tạo được cho mình một chỗ đứng vững vàng trong số những nam ca sĩ trình bày nhạc Pháp . Tiếng hát của Elvis Phương, một học sinh cùng trường Jean Jacques Rousseau với Paolo cũng gây được rất nhiều chú ý với nhiều nhạc phẩm lời Pháp nổi tiếng trong thời kỳ này, điển hình là Coupable. Một học sinh cùng trường với Elvis Phương và Paolo thuộc lớp sau, có một thời gian cũng đã được biết đến nhiều với những nhạc phẩm lời Pháp khi anh là ca sĩ chính của ban nhạc Crépuscule, đặc biệt với nhạc phẩm Adieu Sois Heureuse. Đó là Trọng Nghĩa.

Trở lại năm 1964, tuần báo Kịch Ảnh ở Sài Gòn là tuần báo đầu tiên ở Việt Nam có sự xuất hiện một trang báo dành riêng cho lớp độc giả yêu thích nhạc trẻ với nhiều lời ca của những nhạc phẩm Pháp thịnh hành, xen kẽ với một số bài Anh và Mỹ. Trang “Teenager’s Club” trên tuần báo Kịch Ảnh tức “Trang Nhạc Trẻ” sau đó đã do người viết phụ trách trong nhiều năm. Theo hướng đi đó, nhiều tuần báo khác cũng khai thác những trang nhạc trẻ như Tiền Tuyến, Sống Chủ Nhật, Minh Tinh, vv...Nhờ vào những phương tiện truyền thông này, phong trào nhạc trẻ đã có cơ hội lan rộng đến khắp nơi.

Đến khi những chương trình nhạc trẻ được phát thanh trên các đài Quân Đội cũng như Sài Gòn, sự thu hút của những nhạc phẩm lời Pháp nơi lớp người trẻ tuổi đã trở nên rất mạnh mẽ. Qua những chương trình đó, do những “clubs” bạn trẻ yêu nhạc thực hiện, ngoài những tên tuổi của làng ca nhạc Pháp Quốc đã được nhắc tới, còn những Michel Polnareff ( Love Me Please Love Me ), Adamo ( La Nuit, Mes Mains Sur Tes Hanches, Tombe La neige, Une Larme Aux Nuages, C’ Est Ma Vie, Inch Allah, vv...), Alain Barrière ( Elle Eùtait Si Jolie, Ma Vie, vv...), vv.....cũng đã trở nên quen thuộc với các thính giả trung thành của những chương trình nhạc trẻ phát thanh với những ca khúc lời Pháp...

Đề cập tới ảnh hưởng của nền văn hoá Pháp, đặc biệt trong lãnh vực ca nhạc tại Việt Nam, không ai quên được tiếng hát của Jo Marcel Billy Shane. Đó là hai cựu học sinh trường Taberd Sài Gòn, tốt nghiệp cách nhau 6, 7 năm. Jo Marcel là một trong những nam ca sĩ trình bày nhạc Pháp đầu tiên, trước khi phong trào nhạc trẻ xuất hiện khi anh cộng tác với một ban nhạc người Pháp để trình diễn tại nhà hàng La Galère trong khách sạn Caravelle dưới tên Ngọc Minh. Sau đó anh trở thành một danh ca trong những nhạc phẩm tình cảm Việt Nam, và đặc biệt là những nhạc phẩm lời Pháp như Les Neiges Du Kilimandjaro, Merci Chérie, Elle Eùtait Si Jolie, Fais La Rire, vv...

Vào đầu thập niên 70, Jo Marcel đứng ra điều hành một trung tâm phát hành băng nhạc với những chương trình do chính anh thực hiện, trong đó những nhạc phẩm lời Pháp được thu thanh khá nhiều trên những băng nhạc đầu tiên. Cùng vào thời kỳ này một số băng nhạc trẻ ra đời với nhiều nhạc phẩm Pháp được chuyển thành lời Việt .

Về phần Billy Shane, qua đời vào năm 1995 tại California, trở thành nổi bật trong những nhạc phẩm lời Pháp – nhất là với Love Me Please Love Me - vào năm 1965 khi còn là một học sinh chương trình Pháp tại trường Taberd. Anh đã gây thật nhiều thích thú nơi những khán giả trẻ có mặt tại buổi Đại Hội Nhạc Trẻ đầu tiên tổ chức tại thính đường của một trường nổi tiếng nghiêm khắc và kỷ luật do các sư huynh dòng La San cai quản. Một năm sau anh đã trở thành một tiếng hát lẫy lừng với những bài hát Mỹ và Anh khi giữ vai trò ca sĩ chính trong các ban nhạc trẻ nổi tiếng như The SpotlightsThe Strawberry Four.


Chỉ một thời gian ngắn sau, nhạc ngoại quốc lời Pháp không còn hạn chế trong giới học sinh trường Tây, mà đã lan rộng đến mọi tầng lớp người trẻ tuổi khác. Không kể chương trình Đại Hội Nhạc Trẻ tổ chức vào tháng 11 năm 1963 tại nhà hàng Đại Kim Đô với đại đa số nhạc phẩm trình bày bằng lời Pháp trước khán giả hầu như đều là những học sinh trường Tây cùng những vị tướng lãnh chủ tọa mang ảnh hưởng nặng nề của nền văn hoá Pháp. Vào năm 1964, một buổi Đại Hội Nhạc Trẻ đầu tiên mang tính cách thương mại tổ chức tại rạp hát Văn Hoa ở Sài Gòn, một số nhạc Pháp cũng đã được trình bày trước một số lượng đông đảo khán giả trẻ không phân biệt trường Tây, trường Ta.


Hélena - Francoise Hằng - Thanh Lan năm 1974


Billy Shane - Jacky và Les Vampires

Cũng do ảnh hưởng của nhạc trẻ Pháp, những ban nhạc thành lập tại Sài Gòn thời đó đều được được gọi bằng những tên Tây cho hợp thời trang. Chẳng hạn như ban Les Vampires là một trong vài ban nhạc đầu tiên tại Sài Gòn, rập theo khuôn mẫu của những ban nhạc Pháp như Les Chaussettes Noires, Les Chats Sauvages hay Les Fantômes, vv... Sau đó ở Sài gòn còn lần lượt xuất hiện những ban nhạc trẻ với những tên Tây như Les Faucons Noirs, Les Daltons, Les Tridents, Les Demi-Sels, Les Fanatiques, vv... Ban nhạc sau, Les Fanatiques là một sự kết hợp giữa các học sinh của hai trường Taberd và Jean Jacques Rousseau với nam ca sĩ Công Thành, được kể trong số những nam ca sĩ kỳ cựu của nhạc trẻ Việt Nam trong những nhạc phẩm lời Pháp

Trong khi những nhạc sĩ dùng tên Pháp để đặt tên cho cho ban nhạc của mình với thành phần căn bản gồm 3 guitars, một trống và một, hai ca sĩ thì các ca sĩ cũng đã đặt cho họ một cái tên Pháp, chẳng hạn như Cathy Kim Dung, Hélena, Francoise Hằng, Pauline Ngọc, Prosper Thắng ( đã qua đời tại Paris cách đây nhiều năm ), Riri Hoa ( em Elvis Phương, chị Kiều Nga ), vv...để tạo thành một cơn bão nhạc vào những năm 64,65 khi những phương tiện truyền thông càng ngày càng phát triển mạnh để giới trẻ yêu nhạc gần gũi hơn với những khuôn mặt được coi như tiêu biểu của phong trào nhạc trẻ Việt Nam trong thời kỳ đang trên đà phát triển, mang nhiều ảnh hưởng của Pháp Quốc. Trong số đó phải kể tới Julie Quang, một nữ ca sĩ mang hai dòng máu Việt – Á, một thời gian sau là con dâu của nhạc sĩ Phạm Duy.

Ngoài ra, một nữ ca sĩ khác không mang tên tây và cũng không xuất thân từ trường Tây, nhưng đã chiếm được nhiều cảm tình của giới yêu nhạc trong những ca khúc lời Pháp, trước khi trở thành một “con mèo” trong ban tam ca nổi tiếng The Cat’s Trio vào đầu thập niên 70. Người viết muốn nói đến Minh Xuân.

Mặc dù chịu nhiều sức ép từ sự bùng dậy của phong trào nhạc trẻ Hoa Kỳ từ giữa thập niên 60 cho đến biến cố tháng Tư năm 75, nhưng nền nhạc trẻ Việt Nam vẫn không thoát hẳn ra khỏi ảnh hưởng của những ca khúc lời Pháp. Mặc dù khuynh hướng ưa thích nhạc Pháp có nhiều sút giảm, nhưng một niềm hoài niệm vẫn còn ẩn tàng đâu đó trong khi chính tại nước Pháp cũng đang bị điêu đứng bởi sự xâm nhập như vũ bão của những đội quân ca nhạc Anh Quốc và Hoa Kỳ. Hơn thế nữa, với sự phát triển mạnh mẽ khắp miền nam Việt Nam, phong trào nhạc trẻ đã trở thành đại chúng nơi giới trẻ, mà đại đa số bắt đầu đi theo trào lưu mới trong vấn đề tiếp thu nhanh chóng nhạc Mỹ, do đó nhạc Pháp dần dần mất chỗ đứng nơi những người yêu nhạc trẻ.

Thời kỳ huy hoàng của nhạc Pháp ngày nào trong những năm đầu thập niên 60 chỉ còn là quá khứ, khi các phương tiện truyền thanh, truyền hình và báo chí tại Việt Nam lúc đó hầu như chỉ chú tâm đến nhạc Anh, nhạc Mỹ. Tuy nhiên một số tiếng hát của Pháp vẫn còn khả năng níu kéo được một phần nào cảm tình của người nghe. Nhưng có lẽ giọng ca nam của Pháp được yêu thích nhất tại miền nam Việt Nam trong khi ảnh hưởng của nhạc Pháp trên đà suy thoái vào thời gian trước biến cố tháng Tư năm 75 chính là Joe Dassin ( Le Café Des Trois Colombes, L’Eùté Indien, Siffler Sur La colline, Le dernier Slow, Si Tu T’Appelles Mélancolie, vv... ). Đó là một ngọn lửa bùng lên trước khi tắt lịm để nhường chỗ cho một nền văn hoá mới – một nền văn hoá Hợp Chủng Quốc - với những ảnh hưởng quan trọng trong nhiều lãnh vực, trong đó có âm nhạc.

2- ẢNH HƯỞNG NHẠC ANH – MỸ TRONG PHONG TRÀO NHẠC TRẺ VIỆT NAM


Cả nước Mỹ đã thật sự rúng động khi Elvis Presley xuất hiện với những nhạc phẩm được gọi là Rock And Roll vào giữa thập niên 50. Người ta gọi đó không những là một cuộc cách mạng trong âm nhạc mà còn là một cuộc cách mạng về mặt xã hội với những tiết điệu kích động cùng với một thể cách trình diễn được coi như cuồng nhiệt vào thời đó. Rock And Roll sau đó đã chinh phục hoàn toàn giới trẻ khắp nơi, từ lâu đã âm ỉ muốn nói lên sự chống đối của mình qua âm nhạc. Trước đó, Bill Haley và ban nhạc The Comets của anh đã đưa Rock And Roll đến với người thưởng thức bằng nhạc phẩm được công nhận là nhạc phẩm Rock đầu tiên, được thu thanh vào tháng 4 năm 1954 tại New York. Đó là Rock Around The Clock...

Nhưng phải đợi đến khi Elvis Presley cho ra đời những nhạc phẩm sôi động khác sau đó, với những điệu bộ nhún nhẩy, uốn éo và lắc lư đầy sôi động thì Rock And Roll mới chính thức xác định được vai trò quan trọng cũng như ảnh hưởng lớn mạnh của nó trong phong trào nhạc trẻ thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Việt Nam cũng không thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của Rock And Roll mặc dù đang chịu ảnh hưởng nặng nề của nhạc Pháp. Nhưng phải đợi đến đầu thập niên 60, Rock And Roll mới xuất hiện tại Sài Gòn với một nam ca sĩ tài tử thời đó có tên Phạm Ngọc Phương, năm đó mới 15, 16 tuổi. Chàng thiếu niên này là ca sĩ chính của ban nhạc The Rockin’ Stars. Phạm Ngọc Phương nhờ khuôn mặt hao hao thần tượng Elvis Presley của mình đã lấy tên Elvis Phương sau đó với cách phát âm cùng những điệu bộ hoàn toàn rập theo khuôn mẫu của người ca sĩ anh ái mộ đến mức tôn sùng. Ai đã từng nghe Elvis Phương hát Don’t Be Cruel, Heartbreak Hotel, Blue Suede Shoes hay Are You Lonesome Tonight chắc hẳn sẽ có cùng nhận xét. Từ đó giới trẻ Sài Gòn trong thập niên 60 đã gọi anh là “Elvis Presley Việt Nam”. Cùng thời kỳ đầu thập niên 60 còn có sự xuất hiện của Thanh Tuấn , tức nam ca sĩ Paolo sau này. Nhạc phẩm Rock And Roll đã tạo tên tuổi cho Thanh Tuấn chính là Bebop Alula, do thần tượng của anh là Gene Vincent trình bầy trước đó. Với bộ quần áo da đen với những động tác quay cuồng hoặc ngả người ra sát phía sau y hệt thần tượng của mình, Thanh Tuấn đã được bạn bè cùng lớp tuổi 15, 16 với anh cổ võ nhiệt liệt trong lần trình diễn đầu tiên vào dịp Giáng Sinh năm 1960, trước khi ttrở thành ca sĩ chính của ban nhạc The Black Caps.



Elvis Presley - The Beatles

Trước khi Rock And Roll du nhập vào Việt Nam, đúng hơn là Sài Gòn vào đầu thập niên 60, nhạc Mỹ đã từng được biết đến nơi một số người yêu nhạc ngoại quốc trong thập niên 50 qua những đĩa nhạc được nhập vào đây một cách hiếm hoi. Tuy nhiên đối với những nam nữ ca sĩ hát nhạc ngoại quốc thời đó thật là quí hoá đối vơí việc tập dượt để trình bày trong các vũ trường và phòng trà. Paul Anka, một ca sĩ người Canada gốc Liban đã một dạo làm mưa làm gió tại Việt Nam với những Diana, Crazy Love hay Put Your Head On My Shoulder, vv...Cũng trong thời kỳ này, âm thanh của nhạc phẩm Mambo Italiano do Rosemary Clooney hát cũng đã khiến những thính giả trẻ tuổi ngứa ngáy tay chân.

Ngoài những đĩa nhạc ngoại quốc được du nhập vào Sài Gòn một cách rất hạn chế trong thập niên 50, những nhạc phẩm được biết tới tại Việt Nam và trở thành thịnh hành tại đây, mặc dù khá chậm so với những quốc gia Âu Mỹ, phần lớn nhờ vào những cuốn phim ca nhạc hoặc những cuốn phim có một nhạc phẩm theo chủ đề chính. Chắc ai cũng còn nhớ nam danh ca Pat Boone trong những cuốn phim Bernardine hay April Love, vv...vào cuối thập niên 50. Còn với tiếng hát của Doris Day, nhạc phẩm Whatever Will Be Will Be đã trở thành một trong những nhạc phẩm rất thịnh hành vào cùng thời gian này sau khi cuốn phim mang cùng tên được trình chiếu tại Sài Gòn. Nhạc phẩm được biết nhiều dưới tên Que Sera, Sera. Về phần nam danh ca Andy Williams, tiếng hát độc đáo này có sức quyến rũ rất mạnh trong nhạc phẩm chính của cuốn phim Exodus cùng với một số nhạc phẩm khác như A Summer Place, Moon River hay The Shadow Of Your Smile, vv...

Về phần ban hợp ca The Platters, vào những năm cuối thập niên 50 đã khiến những người yêu nhạc say mê trong những nhạc phẩm tình cảm như You’ll Never Know, Only You hay Smoke Gets In Your Eyes, vv...Tại Việt Nam, những nhạc phẩm đó sau này cũng đã được nhiều ca sĩ trong làng nhạc trẻ trình bầy, trong số có Tuấn Ngọc.

Từ những năm đầu thập niên 60, nhạc Mỹ và Anh nói chung mà không hẳn là nhạc Rock bắt đầu được chú ý nhiều hơn tại Việt Nam, trong khi nhạc Pháp vẫn giữ thế đứng cao trong tâm hồn những người yêu nhạc ngoại quốc. Trong thời gian này, một số ban nhạc trẻ bắt đầu được thành lập tại Sài Gòn, manh nha cho sự hình thành phong trào Nhạc Trẻ một thời gian sau. Với sự xuất hiện của nhạc Twist, cả thế giới trở nên quay cuồng theo tiết điệu mới mà Chubby Checker được coi như người đi tiên phong với nhạc phẩm The Twist và kế đó là Let’s Twist Again. Và dĩ nhiên giới trẻ Việt Nam cũng không thoát khỏi sự quyến rũ của âm thanh mới mẻ này.

Đến những năm 62, 63 giới trẻ Sài Gòn như lên cơn sốt khi những cuốn phim ca nhạc có mặt nam ca sĩ Cliff Richard và ban nhạc The Shadows của Anh Quốc được trình chiếu tại đây với một số khán giả kỷ lục. Cliff Richard từ đó trở thành thần tượng của giới trẻ Việt Nam qua phần trình bày những ca khúc : The Young Ones, We Say Yeah, Lessons In Love, Bachelor Boy, vv...Còn ban nhạc The Shadows thì trở thành khuôn vàng thước ngọc cho những ban nhạc trẻ thành lập vào thời kỳ này...

Đâu đâu người ta cũng được nghe những âm thanh quen thuộc của ban nhạc Anh Quốc này trong những nhạc phẩm hoà tấu Apache, Peace Pipe, Cozy, Man Of Mystery, FBI, The Savage, vv...Những tay sử dụng lead guitar của các ban nhạc trẻ Việt Nam thời đó như Les Vampires, Les Tridents, Les Faucons Noirs, The Tedy Bears, Les Fanatiques hoặc bất cứ ban nhạc trẻ nào khác luôn cố gắng nắn nót tiếng đàn của mình sao cho giống The Shadows mới là đúng điệu. Trong khi đó, cặp mắt kính gọng đen của tay nhạc sĩ Hank Marvin của The Shadows đã trở thành một thứ thời trang đối với giới trẻ. Người ta gọi đó là cặp mắt kính Shadows. Nước Mỹ ngay lập tức tung ra ban nhạc hoà tấu để đương đầu với The Shadows. Đó là ban nhạc The Ventures, một thời gian một số nhạc phẩm cũng được các ban nhạc trẻ Việt Nam đua nhau trình bày như : Walk Don’t Run, Hawai Five – O, Caravan, Bandolero, Pipeline, vv...Nhưng so với The Shadows, ảnh hưởng của the Ventures không đáng kể.

ảnh hưởng nhạc Anh & Mỹ ...(tiếp theo)


Nhưng kể từ khi âm thanh của Tứ Quái The Beatles vang lên qua những nhạc phẩm She Loves YouI Saw Her StandingThere thì sinh hoạt nhạc trẻ mới thật sự sôi động mặc dù những âm thanh này đến với Việt Nam tương đối chậm so với các quốc gia khác. Từ đó John, Paul, George và Ringo trở thành khuôn mẫu cho giới trẻ yêu nhạc để đưa đến sự xuất hiện của những mái tóc dài như những thần tượng của họ

Và cũng từ đó, phần lớn những ban nhạc Việt Nam hầu như bắt đầu không còn mấy chú ý đến việc tập dượt những nhạc phẩm Pháp, để chú tâm nhiều hơn trong việc trình bày những nhạc phẩm Anh-Mỹ, điển hình như những nhạc phẩm của The Beatles, như Come Together, Let It Be, Oh! Darling, Strawberryfields Foerever, Nowhere Man, vv...

Chắc chắn những người yêu nhạc trong lứa tuổi thiếu niên vào những năm 63, 64 không thể quên được âm thanh quen thuộc của nhạc phẩm Love Potion Number Nine do The Searchers trình bày trong thời kỳ được gọi là thời kỳ xâm lấn của nền ca nhạc Anh Quốc ( “The British Invasion”) trên khắp thế giới. Cùng một lúc với sự xuất hiện của 4 ông mãnh tóc dài The Beatles, Thời kỳ này được đánh dấu bằng sự ra đời ồ ạt của rất nhiều ban nhạc trẻ tại nước Anh, nhất là từ thành phố hải cảng Liverpool là nơi có dòng sông Mersey chảy ngang, ngoài những ban xuất phát từ London hay Manchester. Bởi vậy những âm thanh xuất phát từ Liverpool được gọi là “Mersey Beat” với những ban nhạc điển hình như Gerry and The Pacemakers hay Freddie and The Dreamers. Âm thanh Mersey Beat đã kéo theo một đội ngũ rất đông những ban nhạc trẻ tại nhiều thành phố khác, đặc biệt là Luân Đôn với The Rolling Stones ( I Can’t Get No Satisfaction, As Tears Go By, Get Off My Cloud, Ruby Tuesday,vv...) ,The Dave Clark Five ( Can’t You See She Was Mine, Because, I Like It Like That, Over And Over, vv... ) , The Who ( My Generation, The Kids Are Alright, v v......), The Kinks ( You Really Got Me, All Day And All Of The Night, Sunny Afternoon, vv...), Manfred Mann ( Do Wah Diddy Diddy, Sha la la, Come Tomorrow, vv ...). Nhưng có lẽ ban nhạc Herman’s Hermits với chàng ca sĩ răng khểnh “Herman” Peter Noone là một trong số những ban nhạc được yêu thích nhất trong những ca khúc thật dễ thương : Mrs Brown You’ve Got A Lovely Daughter, Henry The VIII, No Milk Today, Leaning On The Lamp Post, vv...Nam ca sĩ có tên Minh Huấn – đã qua đời vào cuối thập niên 60 – là người được mệnh danh là “Herman Peter Noone Việt Nam” của trong những năm 65, 66.

Sau khi cuốn phim “Pop Gear” được trình chiếu tại rạp Rex vao năm 67 với số lượng khán giả trẻ đông đảo chưa từng thấy đã nói lên một cách rõ ràng ảnh hưởng của nền ca nhạc Anh Quốc trong thời kỳ “British Invasion” mạnh mẽ đến chứng nào. Qua cuốn phim gồm nhiều ban nhạc lừng danh của nước Anh này, The Animals có lẽ là ban nhạc gây được nhiều chú ý nhất với nhạc phẩm bất hủ The House Of The Rising Sun, từng được nhiều ca sĩ nhạc trẻ Việt Nam trình bày trước đó, nhờ những đĩa hát có mặt từ trước. Ngoài nhạc phẩm trên, The Animals còn tạo được một ảnh hưởng lớn nơi giới nhạc trẻ Việt Nam với Boom Boom cũng như We’ve Gotta Get Out Of This Place, vv...

Cho đến thời điểm này, riêng phong trào yêu thích nhạc Mỹ nơi giới trẻ Việt Nam đã bắt đầu hình thành sau khi quân đội Mỹ thiết lập một đài phát thanh FM tại Sài Gòn với những chương trình ca nhạc đủ loại được phát thường trực mỗi ngày. Sau đó là sự thiết lập một đài truyền hình với mục đích giải trí các quân nhân Mỹ bắt đầu đặt chân đến Việt Nam từ năm 65, với số lượng càng ngày càng đông đảo. Thêm vào đó là sự du nhập những đĩa nhạc phổ thông mới nhất từ Mỹ đã khiến sự tiếp cận với nền văn hoá của đất nước chú Sam trở nên rất dễ dàng hơn. Nhạc Pháp từ đó gần như không còn được mấy ban nhạc và ca sĩ trẻ Việt Nam trình bầy. Còn đối với lớp khán giả trẻ, nền ca nhạc của quốc gia này chỉ còn là một sự hoài niệm về một quá khứ vàng son vào những năm sau đó. Vì ngay chính Pháp Quốc vào thời này cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đạo quân ca nhạc ào qua từ bên kia bờ biển Manche và từ miền Bắc Mỹ xa xôi.

Mặt khác, tại Việt Nam do nhu cầu giải trí của quân đội Mỹ, rất nhiều câu lạc bộ được gọi là Clubs Mỹ được dựng lên khắp miền Nam Việt Nam. Từ đó hầu như tất cả các ban nhạc trẻ tại các thành phố lớn đều được mời cộng tác với những nơi này. Tính cách tài tử của nền nhạc trẻ đã nhường chỗ cho những hoạt động nhà nghề. Ngoài việc cộng tác với các vũ trường, các nam nữ ca sĩ nhạc trẻ Việt Nam gần như tất cả đều đi làm tại các Club Mỹ, chẳng hạn như Carol Kim, Paolo, Công Thành, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Anh Tú, Jennie Mai, Julie, Cathy Huệ, Jimmy Joseph Jr, Paul, vv...

Cuộc chiến Việt Nam vài năm sau đã đưa đến phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ. Và cũng từ đó đã xuất phát những nhạc phẩm ủng hộ cho phong trào này, đặc biệt là những nhạc phẩm do Joan Baez hay Bob Dylan trình bầy. Joan Baez nổi bật hơn cả với Any Day Now. Còn Bob Dylan với Blowin’In The Wind, It’s Alright, Ma cùng với Bringing It All Back Home, Like A Rolling Stone, vv...

Một điều cần ghi nhận một cách đặc biệt hầu như không có một ca sĩ nhạc trẻ Việt Nam nào trình bày những nhạc phẩm mang tính cách phản chiến này. Phần lớn họ chỉ trình bầy một số nhạc phẩm nói lên sự cô đơn và nỗi nhớ nhà của những quân nhân Mỹ đồn trú tại Việt Nam, cách quê hương mình nửa vòng trái đất, như được Bobby Vinton diễn tả trong một nhạc phẩm rất thịnh hành tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh là Mr Lonely hoặc một nhạc phẩm dân ca tên Detroit City mà trong bài hát được các ca sĩ đổi thành “Saigon City” cho hợp với tâm trạng của những GI’s, trong đó có những câu “ last night I went to sleep in Saigon City...I wanna go home...Oh, how I wanna go home...”, diễn tả nỗi hoài vọng về xứ sở Hoa Kỳ.

Lại một cơn sốt nữa bùng lên khi phong trào Hippy ra đời vào năm 67 tại Hoa Kỳ và du nhập vào Việt Nam rất mạnh từ năm 68. Giới trẻ tại đây đã hưởng ứng lời kêu gọi của Scott Mc Kenzie qua nhạc phẩm San Francisco để nữ giới thì cài hoa trên tóc hoặc gắn hay thêu những chiếc hoa 5 cánh trên quần áo, giầy dép, xe máy, vv...Còn nam giới bắt đầu nuôi tóc dài như những hippies ở San Francisco...

Và hơn bao giờ hết, giới trẻ trong thời kỳ này không ai không mơ đến một ngày nào đó được đặt chân tới miền California nắng ấm. Nơi đó đối với họ là một thế giới của mầu sắc, của âm thanh, của thiên nhiên như được diễn tả trong nhạc phẩm California Dreamin’ do ban The Mama’s And the Papa’s trình bầy. Phong trào Hippy liền đó đã phát sinh ra thể loại nhạc với những âm thanh khi huyền hoặc mơ hồ, khi vang rền đến nhức óc được gọi là Psychedelic với tay đàn guitar da đen điển hình là Jimi Hendrix và nữ ca sĩ Janis Joplin. Và với những ban nhạc trẻ Việt Nam Jimi Hendrix đã trở thành thần tượng của họ với những nhạc phẩm : Are You Experienced, Purple Haze, Hey Joe, And The Wind Cries Mary, vv...Trong khi đó Janis Joplin được một số những nữ ca sĩ nhạc trẻ dập khuôn, dập mẫu khi trình bày những nhạc phẩm như Piece Of My Heart, Summertime, Me And Bobby McGee, Ball And Chain, vv...Đặc biệt phải kể đến Bich Loan của ban nhạc CBCNgọc Bích, Ngọc Quý của ban nhạc The Crazy Dogs. Ngoài Jimi Hendrix, loại nhạc Psychedelic đã được rất nhiều ban nhạc trẻ Hoa Kỳ trình diễn như The Black Sabbath, Cream, Iron Butterfly, vv.… Từ đó đã ảnh hưởng đến những ban nhạc trẻ Việt Nam. Qua đó The Peanuts Company được nhắc nhở đến rất nhiều với lối trình diễn bốc lửa trên sân khấu. Trong khi đó ban nhạc The Enterprise với tiếng hát của nam ca sĩ gốc Ấn Độ tên Kasim cũng từng làm mưa làm gió một thời gian dài trong những nhạc phẩm mà kỹ thuật âm thanh được khai thác triệt để. Cũng do đó, nhạc sĩ Trung Nghĩa của ban nhạc này đã được mệnh danh là “10 Ngón tay Vàng” trong nghệ thuật sử dụng guitar trong thời gian cộng tác với ban nhạc The Enterprise...


Elvis Phương và The Rockin’Stars - Paolo và the Black Caps


Bích Loan của ban nhạc CBC - Ban nhạc The Peanuts Company - Kasim và ban nhạc the Enterprise

Cũng từ phong trào Hippy, một đại hội nhạc trẻ ngoài trời có tầm vóc qui mô nhất trong lịch sử ca nhạc quốc tế đã được tổ chức liên tiếp trong 3 ngày tại tiểu bang New York. Đó là đại hội nhạc trẻ Woodstock, tổ chức vào năm 1969, qui tụ hàng trăm ngàn người với sự có mặt của những tên tuổi lẫy lừng nhất của nền nhạc trẻ Hoa Kỳ. Hai năm sau tại Việt Nam, một Đại Hội Nhạc Trẻ Ngoài Trời có tầm vóc quốc tế lần đầu tiên được diễn ra tại Việt Nam. Địa điểm tổ chức là sân vận động Hoa Lư nên được quen gọi là Đại Hội Nhạc Trẻ Hoa Lư, diễn ra vào tháng 4 năm 1971. Ngoài những ban nhạc trẻ Việt Nam nổi tiếng, còn có sự tham dự của ban nhạc các quốc gia Hoa Kỳ, Phi Luật Tân, Nam Dương, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Đại Hàn, vv...

Trước khi diễn ra Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc tế Hoa Lư vào năm 71, từ năm 65 đã có những buổi đại hội Nhạc Trẻ được tổ chức trong thính đường, và sau đó là ngoài sân trường Taberd trên đường Nguyễn Du, Sài Gòn. Nhạc Mỹ, nhạc Anh cũng đã thi nhau nở rộ trên sân khấu những buổi Đại Hội Nhạc Trẻ này.

Từ những năm cuối của thập niên 60 cho đến biến cố tháng 4 năm 75, nhạc Mỹ hoặc nói chung là nhạc đến từ những quốc gia sử dụng Anh Ngữ đã đánh bật nhạc Pháp ra khỏi sự yêu thích nơi giới trẻ và đó cũng là loại nhạc được tất cả những ban nhạc trẻ và ca sĩ Việt Nam trình bầy. Những ban nhạc như Creedence Clearwater Revival ( gọi tắt là CCR), Simon & Garfunkel, The Bee Gees, Abba, The Doors, Jefferson Airplane, Santana, Lobo, The Beach Boys, Three Dogs Night, The Supremes, Carpenters, vv...đã trở thành những tên tuổi được mến mộ nhất

Từ trong nhà ra đến ngoài đường, từ ngoài đại hội nhạc trẻ vào trong sân khấu vũ trường, đâu đâu người ta cũng được nghe vang lên những âm thanh quen thuộc của nhạc Mỹ, nhạc Anh. Điều đó đã chứng tỏ ảnh hưởng lớn mạnh đến chừng nào của nền văn hoá Aâu Mỹ được du nhập vào Việt Nam trong những ngày đầu của nền nhạc trẻ Việt Nam, từ giữa thập niên 60 cho đến tháng 4 năm 75.

3- PHONG TRÀO VIỆT HOÁ NHẠC TRẺ


Qua trên 30 năm từ lúc khởi đầu vào năm 1972, việc soạn lời Việt cho những nhạc phẩm ngoại quốc cho đến nay vẫn được rất nhiều người thuộc thế hệ sau hưởng ứng, ở trong nước cũng như tại hải ngoại. Riêng ở trong nước, những nhạc phẩm chuyển lời Việt từ nhạc ngoại quốc gần đây đã trở thành một “vấn đề” sau khi xẩy ra những tình trạng “cầm nhầm” hoặc sử dụng ca từ một cách cẩu thả đến độ ngớ ngẩn, như nhận định của báo chí trong nước.

Phong trào mang tên Việt Hoá Nhạc Trẻ khởi đầu vào năm 1972, khi một số người trẻ tuổi nổi tiếng trong làng nhạc trẻ thời đó như Nam Lộc, Vũ Xuân Hùng, Lê Hựu Hà, Kỳ Phát, Tuấn Dũng, Tiến Chỉnh, Trung Hành, Cao Giảng, vv...đã hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi của Trường Kỳ để bắt tay vào việc soạn lời Việt cho những nhạc phẩm ngoại quốc. Nhạc phẩm Việt Hoá đầu tiên ra đời vào thời kỳ này đã do Trường Kỳ soạn lời Việt từ nhạc phẩm Mỹ nổi tiếng Sealed With A Kiss của Brian Hyland, mang tựa đề Tình Yêu Trong Đời. Lần lượt sau đó, Trường Kỳ đã soạn lời Việt từ hàng chục nhạc phẩm Pháp, Mỹ và Anh khác, trong số có những nhạc phẩm quen thuộc như : Khi Ta 20 ( All I Have To Do Is Dream, tựa Pháp : Pendant Les Vacances ), Rồi Mai Đây ( Lo Mucho Que Te Quiero ), Yêu Nhau Đi ( Besame Mucho ), Thú Yêu Thương ( Speak Softly Love tức The Godfather ), Cám Ơn Người Yêu Dấu( Merci Chérie ), Mời Nàng Cười ( Fais La Rire ), Thương Nhớ Trong Mưa ( The End Of The World ), Tình Yêu Mờ Khuất ( Love Is Blue ), Điện Thoại Tới Anh ( Téléphones – Moi ), Coi Chừng Gái Đẹp ( Belles! Belles! Belles! ), Bài Luân Vũ Mùa Mưa ( The Last Waltz ), vv...


Tình Yêu Trong Đời (Sealed With A Kiss) - Don Hồ

Khi còn ở trong nước, Jo Marcel, Thanh Lan, Duy Quang và Elvis Phương được coi là những tiếng hát gắn liền với những ca khúc ngoại quốc soạn lời việt khác của Trường Kỳ, như Julie, Thanh Mai, Minh Xuân Minh Phúc, vv.....

Thật ra việc đặt lời Việt cho những nhạc phẩm ngoại quốc đã có từ sau Thế Chiến Thứ 2. Nổi bật hơn cả là một số nhạc phẩm cổ điển do nhạc sĩ Phạm Duy soạn lời Việt như Serenade hay The Blue Danube, Come Back To Sorrento, vv.... Từ giữa thập niên 50 trở đi, còn có sự xuất hiện của những nhạc phẩm ngoại quốc được dùng làm nhạc phẩm chủ đề cho một số tác phẩm điện ảnh như Bridge Over The River Kwai , Whatever Will Be Will Be ( Que Sera Sera ), The River Of No Return hay Three Coins In The Fountain, vv...cũng đã được chuyển sang lời Việt. Thời đó tên tác giả thường được ghi là “Cô Hằng” dưới những ca khúc gồm cả “notes” nhạc với lời Việt và lời ngoại quốc được in trên bìa sau của những tuần báo văn nghệ điện ảnh hoặc trên những tờ chương trình chiếu bóng. Tuy không gây thành một phong trào, nhưng không ít nhạc phẩm trong số kể trên đã trở thành những ca khúc ngoại quốc soạn lời Việt bất hủ.

Về phần nhạc sĩ Phạm Duy, vào thời kỳ Việt Hoá Nhạc Trẻ, ông được mệnh danh là một Hippy Già, cũng đã rất tích cực đóng góp vào phong trào này với những ca khúc soạn lời Việt được giới trẻ rất thích thú, điển hình như bài Tình Cho Không ( L’Amour C’et Pour Rien ). Một nhạc phẩm Việt Hoá khác của Phạm Duy cũng gây được nhiều chú ý là Khi Xưa Ta Bé, soạn lời Việt từ ca khúc Bang Bang, một sáng tác của Sony Bono, do Cher trình bày và sau đó với tiếng hát của Sheila bằng lời Pháp, đã trở nên rất quen thuộc trong giới trẻ Việt Nam. Sau khi được chuyển qua lời Việt, Khi Xưa Ta Bé đã được Thanh Lan trình bày lần đầu tiên vào năm 1973. Và 30 năm sau một giọng ca trẻ nổi tiếng ở trong nước là Mỹ Tâm cũng đã thu thanh nhạc phẩm này trên một CD của cô, mặc dù những sáng tác của Phạm Duy vẫn chưa được phổ biến tại Việt Nam. Và cũng từ đó người ta đã khám phá ra việc một nhạc sĩ trong nước là Lê Quang nhận là người soạn lời Việt cho nhạc phẩm này.

Ngoài ra chắc khó ai quên được một nhạc phẩm Việt Hoá khác của Phạm Duy do Thanh Lan trình bầy, thường được hát trong những tiệc cưới trước năm 75 tại Sài Gòn, sau khi được tung ra 2,3 năm trước đó. Tựa đề nhạc phẩm là Ngày Tân Hôn ( The Wedding ). Thêm vào đó còn rất nhiều nhạc phẩm Việt Hoá khác của Phạm Duy như Cuộc Tình Tàn ( Je Sais ), Tango Xanh ( Blue Tango ), Tiếng Âm Thầm ( The Sound Pof Silence ), Vòng Tay Nữ Sinh ( To Sir With Love ), Gọi Tên Người Yêu ( Aline ), Tình Ca Romeo Và Juliette ( A Time For Us ), Hỡi Người Tình Lara ( Zhivago ), Chuyện Tình ( Love Story ), vv...Một nhạc sĩ lão thành khác mặc dù không có mặt trong thời gian đầu tiên của phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ, nhưng sau một thời gian sống ở hải ngoại ông đã là một nhạc sĩ soạn lời Việt cho nhiều nhạc phẩm ngoại quốc cho các con ông là Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Anh Tú, Lan Anh, Thúy Anh trình bầy. Mọi người đều biết đó là nhạc sĩ Lữ Liên.

Trong số những người soạn lời Việt từ những nhạc phẩm ngoại quốc trong thời kỳ đầu tiên của phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ, Vũ Xuân Hùng là một trong những tác giả gây được nhiều chú ý với những lời ca giản dị và trẻ trung – đôi khi anh viết cùng với Nguyễn Duy Biên - đã tỏ ra rất thích hợp với những tâm hồn trẻ yêu nhạc trong thập niên 70. Trong số hàng chục ca khúc soạn lời Việt từ nhạc ngoại quốc của Vũ Xuân Hùng, những nhạc phẩm sau được coi là thành công nhất của anh: Nói Sao Cho Em Hiểu ( How Can I Tell Her ), Bachelor Boy ), Chuyện Phim Buồn ( Sad Movies, tựa tiếng Pháp : Quand Le Film Est Triste ), Hôm Nay Không Sữa ( No Milk Today ), Lãng Du ( L’Avventura ), Em Đẹp Như Mơ ( Elle Était Si Jolie ), Anh Thì Không ( Toi Jamais ), Gõ Cửa 3 Lần ( Knock Three Times ), Búp Bê Không Tình Yêu (Poupée De Cire, Poupée De Son ), vv...Với nhạc phẩm sau, cũng nhạc sĩ trong nước Lê Quang lại bị phát giác là cố tình “cầm nhầm” phần soạn lời Việt của Vũ Xuân Hùng, hiện đã về cư ngụ tại Sài Gòn từ nhiều năm nay. Trong khi người thỉnh thoảng cùng viết lời chung với anh là Nguyễn Duy Biên hiện cư ngụ ở tiểu bang Texas, không còn hoạt động gì liên quan đến ca nhạc.

Còn Nam Lộc, ngay từ đầu đã soạn lời Việt cho một số nhạc phẩm ngoại quốc và nhanh chóng được biết đến với những nhạc phẩm Mây Lang Thang ( The Cowboy’s Work Is Never Done ), Chỉ Là Giấc Mơ Qua ( Yellow Bird ), Cho Quên Thú Đau Thương ( Main Dans La Main ), Dòng Đời ( My Way ), Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu ( Tell Laura I Love Her ), vv.... Mặc dù dựa trên những âm điệu Mỹ, nhưng Nam Lộc đã dùng lời Việt một cách khéo léo, đến nỗi những người không am tường nhạc Mỹ đều cho rằng đó là những nhạc phẩm Việt Nam thuần túy. Đặc biệt là nhạc phẩm Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, được trình bày lần đầu tiên qua tiếng hát Thanh Lan vào năm 1973, rất được các cựu nữ sinh Trưng Vương ưa thích.

Về phần Kỳ Phát cũng đã có một số nhạc phẩm chuyển lời Việt, đáng chú ý nhất phải kể đến : Vắng nàng ( Sans Elle ), Tìm Nhau ( You Want To See Me ), Chuyến tầu Vĩnh Biệt ( The Morning After ), vv...


Nam Lộc và ca sĩ Bích Loan của Ban CBC , 1971 - Thanh Mai, thời kỳ được mệnh danh là “Con Búp Bê Của nhạc Trẻ Việt Nam “ năm 72

Nam Lộc trên sân khấu Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd với ban nhạc The Crazy Dogs năm 1973 - Nhạc sĩ Phạm Duy và Trường Kỳ năm 1971 - Vũ Xuân Hùng, tác giả lời Việt “Búp Bê Không Tình Yêu”

Bìa “Tuyển Tập Tình Ca Nhạc Trẻ” 1, xuất bản năm 1973

Một số nhạc sĩ trong ban nhạc Mây Trắng như Tuấn Dũng, Trung Hành và Cao Giảng cũng đã nhiệt liệt hưởng ứng phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ với sự đóng góp khá nhiều nhạc phẩm được chuyển qua lời Việt. Đặc biệt phải kể đến Tuấn Dũng với Thương Tiếc ( Donna Donna ), Bướm Hoa ( Black And White ), Tình Thơ ( Puppy Love ), Lá Xanh Mùa Hè ( The Green Leaves Of Summer ), Không Bao Giờ Tôi Quên ( Without You ), vv...

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà của ban nhạc Phượng Hoàng cũng tham gia một cách đắc lực vào phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ với những nhạc phẩm như Tưởng Như Ngày Hôm Qua ( Yesterday ), Yêu Em Một Đời Chiêm Bao ( A A Groovy KindOf Love ), Hôm Nay Ta Về ( Yellow River ), Không Có Em ( Without You ), Đồng Xanh ( Greenfield ), vv...Nhưng Lê Hựu Hà không dừng lại ở đó trong sự đóng góp vào phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ qua việc chuyển lời Việt từ nhạc ngoại quốc. Anh còn đi xa hơn bằng cách sáng tác những ca khúc nhạc trẻ thuần túy Việt Nam, ngoài những ca khúc khác hợp soạn với Nguyễn Trung Cang. Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Can với sự thành lập ban nhạc Phượng Hoàng vào thời kỳ này thật sự đã nói lên tính chất đích thực của phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ. Những sáng tác của “John Lennon và Paul Mac Cartney Việt Nam” là Hà và Cang sẽ mãi mãi được coi như những ca khúc nhạc trẻ tiêu biểu đưa đến sự sáng tác sau đó nơi những nhạc sĩ trẻ.

Do ảnh hưởng lề lối trình diễn của ban nhạc Phượng Hoàng, một vài ban nhạc ra đời sau đó đã cố gắng đạt được mục đích, khiến danh từ Việt Hoá Nhạc Trẻ mang nhiều ý nghĩa hơn trong khi thế đứng của việc đặt lời Việt cho những ca khúc ngoại quốc vẫn không hề suy suyển . Ý nghĩa của danh từ Việt Hoá ít nhất cũng được thể hiện qua những tên ban nhạc bằng tiếng Việt như Hồn Hoang Mây Trắng. Ban nhạc trước do nhạc sĩ Quốc Dũng thành lập, thường trình bày những sáng tác của anh, được hoà âm theo phong cách gọi là nhạc trẻ. Ban nhạc sau là Mây Trắng rất thu hút lớp khán giả trẻ với nghệ thuật trình bày hợp ca của Tuấn Dũng, Trung Hành, Cao Giảng, vv.....

Mặt khác, phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ cũng được thể hiện dưới một hình thức khác. Đó là giai đoạn khi hầu hết những ca sĩ xuất thân từ nhạc trẻ đã lần lượt chuyển qua hát nhạc Việt Nam và trở thành những giọng ca sáng chói của làng tân nhạc nói chung. Elvis Phương, Tuấn Ngọc, Thanh Lan, Khánh Hà, Julie, Paolo, Carol Kim, Minh Xuân, Vy Vân, vv... là những tên tuổi tiêu biểu. Về phía nhạc sĩ sáng tác, Đức Huy tuy xuất thân từ nhạc trẻ, nhưng đã nhanh chóng trở thành một nhạc sĩ trẻ nhanh chóng tạo được tên tuổi với những ca khúc tình cảm trẻ trung và giản dị.

Trở về với thời kỳ đầu tiên của phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ, phần chuyển lời Việt từ nhạc ngoại quốc được thực hiện duới 3 chiều hướng rõ rệt. Với chiều hướng thứ nhất, người viết lời hoàn toàn dựa theo âm điệu của một nhạc phẩm nào đó được chọn lựa để soạn thành lời Việt mà không cần để ý đến nội dung của phần lời ca viết bằng Pháp hay Anh ngữõ. Đa số những nhạc phẩm Việt Hoá được viết theo chiều hướng này, điển hình như bài Bướm Hoa dựa trên âm điệu của nhạc phẩm nổi tiếng Black And White do Tuấn Dũng của ban nhạc Mây Trắng soạn lời Việt và trình bày vào năm 1972.

Trong chiều hướng thứ 2, người viết phóng tác theo nội dung của nhạc phẩm nguyên thủy trong khi cố gắng giữ được ý chính càng nhiều càng tốt. Đó là trường hợp của nhạc phẩm Gọi Tên Người Yêu của Phạm Duy do Elvis Phương trình bầy, phóng tác theo nhạc phẩm Aline. Hay nhạc phẩm Anh Ước Mong ( J’Ai Envie ) do Trường Kỳ viết lời Việt và do Jo Marcel trình bày lần đầu tiên vào năm 73.

Trong khi đó chiều hướng thứ 3 được coi như khó khăn hơn cả đối với những người soạn lời Việt. Đó là làm sao dịch ttương đối sát nghĩa từng câu của nhạc phẩm chính, cùng một lúc tôn trọng nội dung của tác giả của nhạc phẩm đó muốn gửi gấm. Lý do chính đến từ vấn đề độc âm của tiếng Việt cùng những dấu bằng trắc, không thể gò uốn theo âm điệu của nhạc phẩm chính như tiếng Anh hay Pháp. Chỉ có một số ít nhạc phẩm Việt Hoá được viết theo chiều hướng thứ 3 này, trong số có nhạc phẩm Gõ Cửa 3 Lần ( Knock Three Times ) hay Nói Sao Cho Em Hiểu ( How Can I Tell Her ) của Vũ Xuân Hùng hoặc Điện Thoại Tới Anh ( Téléphones – Moi ), Khi Nào Đây? ( Cuando, Cuando, Cuando ) của Trường Kỳ, vv......

Phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ ngoài phần lớn nhắm vào những nhạc phẩm Âu Mỹ thịnh hành, kể cả một số nhạc phẩm của Ý hay Tây Ban Nha. Trong thời kỳ đó, một số còn được soạn lời Việt từ những nhạc phẩm Á Đông như Trung Hoa và Nhật Bản. Chắc khó ai quên được nhạc phẩm Trung Hoa soạn thành lời Việt mang cùng tên với cuốn phim Mùa Thu Lá Bay hay nhạc phẩm Anata của Nhật được Phạm Duy chuyển lời Việt dưới tên Căn Nhà Xinh

Nhận thấy sự thu hút mạnh mẽ của phong trào soạn lời Việt nơi giới trẻ, một nhà xuất bản có uy tín vào thời đó là Hiện Đại đã mạnh dạn đứng ra phát hành hành những tập nhạc với tựa đề Tình Ca Nhạc Trẻ, với những nhạc phẩm ngoại quốc soạn lời Việt vào năm 1973. Đồng thời, giám đốc nhà xuất bản này là ông Nguyễn Văn Thành, hiện là giám đốc trung tâm World ở Orange County, đã khuyến khích nhiều người viết lời Việt đóng góp vào phong trào này và nhận được một sự hưởng ứng đáng kể. Sau sự thành công của tập Tình Ca Nhạc Trẻ 1, đã có đến 6, 7 tập Tình Ca Nhạc Trẻ khác liên tiếp ra đời với hàng trăm ca khúc ngoại quốc được Việt Hoá. Nhạc sĩ Ngọc Chánh, người điều hành nhà xuất bản Khai Sáng cũng cùng một lúc cho ra đời những bản nhạc rời với một sự thành công không ngờ.

Hầu hết những ca khúc Việt Hoá trong thời kỳ này đã được thu thanh vào những băng nhạc trẻ được thực hiện dưới những tên như : Nhạc Hồng do Trường Kỳ và Nam Lộc thực hiện, Sinh Hoạt Nhạc Trẻ do Tùng Giang thực hiện, Thế Giới Nhạc Trẻ của Kỳ Phát, Nhạc Trẻ của nhạc sĩ Ngọc Chánh và những băng nhạc Tình Ca Nhạc Trẻ do Vũ Xuân Hùng và một nhóm người viết lời Việt từ những nhạc phẩm ngoại quốc thực hiện.

Sự phát triển mạnh mẽ của chương trình Việt Hoá Nhạc Trẻ cũng đã được những nhà sản xuất điện ảnh chú ý để đưa vào những sản phẩm của họ, như Cô Hippy Lạc Loài, Hoa Mới Nở, Thế Giới Nhạc Trẻ, vv...

Không những phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ đã đi vào các chương trình Đại Hội Nhạc Trẻ tổ chức tại sân trường Taberd hay Thảo Cầm Viên Sài Gòn, mà còn hiện diện thường xuyên trong các chương trình nhạc trẻ hàng tuần, điển hình là những chương trình “Hippies À Gogo”, tổ chức tại nhiều phòng trà và vũ trường. Những chương trình ca nhạc tổ chức hàng đêm cũng bắt đầu xuất hiện những tiết mục nhạc ngoại quốc lời Việt trình bày bởi những ban tam ca nổi tiếng như Ba Trái Táo tức The Apple Tree hay Ba Con Mèo tức The Cat’s Trio. Trong khi đó, Minh Xuân của ban tam ca 3 Con Mèo cũng được coi là một tiếng hát điển hình của phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ qua phần trình diễn đơn ca cũng như hợp ca cùng với Uyên LyKim Anh...

Người bạn đời của Minh Xuân là Minh Phúc cũng là một tronbg những giọng ca đóng góp không ít vào phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ. Nhất là trong thời gian anh cùng với Minh Xuân hợp thành cặp song ca Minh Xuân-Minh Phúc, chuyên trình bày những nhạc phẩm ngoại quốc lờiViệt, ngoài phần trình bày đơn ca....

Từ năm 1973, sự kiện nhạc trẻ đi vào phòng trà và vũ trường Sài Gòn đã được ghi nhận một cách rõ ràng hơn, sau khi Jo Marcel được coi như người đầu tiên đứng ra chủ trương ngay từ những năm cuối thập niên 60. Vào thời đó Jo Marcel đã đưa phần trình diễn của ban nhạc trẻ The Spotlights với Đức Huy, Billy Shane, Tiến Chỉnh, Martio Cruz và Hồng Hải lên sân khấu phòng trà. Một thời gian sau phần trình diễn của những nghệ sĩ nhạc trẻ như những cặp Đức Huy- Thanh Tuyền, Tuấn Ngọc-Đức Huy hay Minh Xuân-Minh Phúc đã dần dần chinh phục được cảm tính của lớp khán giả vủ trường và phòng trà ca nhạc tại Sài Gòn. Riêng phần mình, Jo Marcel vẫn thường xuyên trình diễn những nhạc phẩm Việt Hoá trong những chương trình do anh thực hiện...

Một điều cần ghi nhận là không một nghệ sĩ nhạc trẻ nào vào thời đó không trình bày những nhạc phẩm ngoại quốc lời Việt, song song với việc trình bày những nhạc phẩm Việt Nam hay ngoại quốc thuần túy theo con đường đi riêng. Sự kiện này đã nói lên được sự thành công to lớn của phong trào Việt Hoá nhắm tới việc khuyến khích việc sáng tác những ca khúc nhạc trẻ một thời gian sau đó ở trong nước cũng như ở hải ngoại để có được một dòng nhạc trẻ thuần túy Việt Nam...

Nếu trở về với những ngày tháng đáng ghi nhớ đó, chắc khó ai quên được một số tiếng hát có mặt ngay từ những ngày đầu của phong trào Việt Hoá để rồi sau đó rất ít hoặc không còn hoạt động trong lãnh vực ca hát. Chẳng hạn như Cathy Huệ, hiện cư ngụ tại Úc, hay Pauline Ngọc, thỉnh thoảng hoạt động ở Đức. Cũng khó ai có thể quên được Bích Trâm ( vợ Nguyễn Chánh Tín ) hiện ở Việt Nam, Vân Trung hiện ở Úc, hay Thanh Mai, cư ngụ ở Orange County.
.

Đã 40 năm qua đi, nhưng những sự kiện được trình bày trong bài viết này hẳn cần được ghi nhớ, khi đến nay dòng nhạc trẻ thuần túy Việt Nam đã hoà nhập chung với dòng tân nhạc Việt qua những sáng tác của những nhạc sĩ thuộc thế hệ sau...
.

TRƯỜNG KỲ 2004


Một Số Hình Ảnh về bức tranh Classic Rock Việt Nam

Những hình ảnh Nhạc Trẻ miền Nam VN thập niên 60 này, được lấy từ trang web http://kicon.com/nhactre/index.html . Nhưng dùng font VISII (ít người có) và hình như trang kicon bị firewall, nên lấy về đây, cho các bạn xem.
Đây là bộ sưu tập riêng của NS Trường Kỳ.

1. - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21
- 22

Chú thích :
01. Trường Kỳ trên sân khấu Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd (trường Lasan Taberd nay là trường PTTH Trần Đại Nghĩa, Sg) năm 1971 với sự tham dự của trên 5000 khán giả.
02. Từ trái qua phải: Tiến Chỉnh (tay bass của The Spotlights ), Ngọc Bích (ca sĩ, tức Bích Trâm, vợ của Nguyễn Chánh Tín hiện nay ), Jimmy Tòng (ca sĩ và tay trống của ban nhạc Les Cavaliers). Đứng phía sau là Tòng Sơn (Les Cavaliers)
03. Ban nhạc The Rising Sun vào cuối thập niên 1960 trong một buổi party tổ chức tại tư gia
04. Nữ ca sĩ Kim Oanh trên sân khấu Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd năm 1972
05. The Blue Stars, ban nhạc phái nữ đầu tiên và hoạt động lâu đời nhất của nhạc trẻ VN
06. Từ trái qua phải: Tuấn Ngọc, Minh Phúc, Tiến Chỉnh, Thụy Ái, Trường Kỳ và Tùng Giang vào năm 1970
07. Ban nhạc The Top Five, một trong những ban nhạc nổi tiếng vào đầu thập niên 70, trên đường lưu diễn. Thành phần gồm ( từ trái qua phải ): Tùng Giang, Minh Phúc, Tuấn Ngọc, Thụy Ái và Quốc Hung
08. Tùng Giang trong dịp đóng phim " Vết Chân Hoang" tại Vũng Tầu
09. Nữ ca sĩ ngồi giữa là Francoise Hằng, một trong những nữ ca sĩ đầu tiên của nhạc trẻ VN. Phía trái cô là nam ca sĩ Jimmy Joseph. Hình chụp vào năm 66 trong buổi trao giải thưởng cho các ca sĩ xuất s¡c và dễ thương nhất do Teenager''''s Club tổ chức
10. Elvis Phương và The Rockin''''s Stars, một trong những ban nhạc trẻ tiêu biểu củ VN trong thời kỳ phôi thai. Bên trái là Jules Tambicanou, một trong những tay lead guitar nổi tiếng trong thời kỳ này
11. Cathy Huệ và The Hammers cùng 2 "gogo girls" trong một buổi trình diễn tại một club Mỹ trong thời kỳ phát triển mạnh của nhạc trẻ VN song song với sự hiện diện đông đảo của quân nhân Mỹ và đồng minh tại VN
12. Trường Kỳ ( giữa ) và Nam Lộc ( trái, đeo kính ) trên sân khấu Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd cùng với ban nhạc CBC vào năm 1972
13. Jo Marcel trong thời gian thực hiện phim Vết Chân Hoang (phỏng theo tiểu thuyết phóng sự Tuổi Choai Choai của Trường Kỳ) vào năm 1971
14. Ngọc Bích và Ngọc Quý (con gái của nghệ sĩ Việt Hùng) và ban nhạc The Crazy Dogs vào năm 1971
15. Trường Kỳ, thay mặt cho Teenager''''s Club tuyên bố trao giải nam ca sĩ xuất sac nhất năm 1966 cho Billy Shane (tay mặt). Billy dã qua đời vào năm 1994
16. Ban tam ca nữ Ba Trái Táo (The Apple Three) nổi tiếng vào đầu thập niên 70 tại khap các vũ trường Saigon. Từ trái qua phải: Tuyết Hương, Tuyết Dung, Vy Vân
17. Trường Kỳ vào năm 1969, khi phong trào Hippy đang lên cao
18. Trường Kỳ chụp chung với Lê Hựu Hà của ban nhạc Phượng Hoàng, trong thời kỳ chuyển hướng của nhạc trẻ VN vào năm 1971 với phong trào Việt Hóa Nhạc Trẻ VN (soạn lời Việt cho nhạc ngoại quốc, sáng tác những nhạc phẩm hoàn toàn VN)
19. Trường Kỳ vào cuối thập niên 60
20. Từ trái qua phải: Đức Hiền (bass, ban nhạc CBC), Anh Tú (The Uptigh), Tùng Giang và Trường Kỳ năm 1971
21. Ban nhạc Phương Hoàng năm 1970
22. Trường Kỳ chụp chung với toàn ban nhạc CBC tại Houston vào năm 1987




Sunday, August 07, 2005

PROGRESSIVE ROCK VÀ LIÊN TƯỞNG VĂN HỌC

Văn học là một chất liệu văn hoá trường tồn với thời gian mặc dù chịu sự ảnh hưởng nhiều vào các yếu tố xã hội chính trị luôn thay đổi liên tục. Văn học qua đó là di sản văn hóa quý giá của loài người. Văn học được giữ lại bằng những nét viết trên chất liệu đá của người Ai cập, viết lên tre ,da dê của người Trung Quốc cổ đại ,và khi khi phát minh ra giấy thì văn học thường được giữ lại với những cuốn sách .Với sự phát triển của công nghệ giúp cho văn học được lên màn ảnh với những bộ phim nổi tiếng dựa trên tác phẩm văn học ,quen thuộc với người yêu nhạc Rock thì có thể nhắc tới các bộ phim “Bay trên tổ chim cúc cu” của tác giả Ken Kesey hay “Chuông nguyện hồn ai” của Ernest Hemingway (2 tác phẩm này sau này đã khơi nguồn cảm hứng cho Metallica chuyển thể thành chất nhạc Heavy Metal với 2 ca khúc Welcome Home(Sanitarium) và For whom the bell tolls) hay như tác phẩm bất hủ “Đồi gió hú” của Emily Bronte với khá nhiều lần được dựng thành phim (sau này đã giúp Kate Bush tạo nên ca khúc kinh điển Wuthering Heights).


Trên lĩnh vực âm nhạc, những người đi tiên phong là từ nhạc cổ điển mang đầy tính bác học .Nhiều nhà soạn nhạc cũng ảnh hưởng bởi các chất liệu văn học và thêu dệt lên những bức tranh âm nhạc chứa đầy màu sắc thơ văn .Như Gustav Mahler đã được bài thơ “Tiếng Flute trung hoa” của Hans Bethge để sáng tác lên bản nhạc quyến rũ “Das Lied von der Erde” v.v.. Và cũng chính vì có sự liên hệ giữa nhạc cổ điển này nên mới hình thành nên thể loại Thơ Giao hưởng(Symphonic Poem). Đây là thể loại nhạc giao hưởng mà chỉ có 1 chương, viết dựa theo thơ, truyện cổ tích, truyện …xuất hiện từ thời của âm nhạc trường phái lãng mạn (1820 – 1900).

Từ cuối những năm 60 khi mà Progressive Rock bắt đầu phôi thai, với sự sáng tạo và khai phá không ngừng nghỉ của King Crimson, Pink Floyd, Yes, Moody Blues, dần dần đã hình thành lên nét đặc trưng riêng của Progressive Rock. Đó là sự ảnh hưởng rõ rệt từ classical music và jazz fusion và kết hợp với các yếu tố văn chương, ảo giác phiêu diêu. Mỗi bản nhạc của Progressive Rock chứa đựng những yếu tố bên trong, ẩn hiện qua mỗi nốt nhạc trong một chuỗi các đoạn nhạc phong phú mà hầu hết là phức tạp về kỹ thuật chơi của Progressive rock. Yếu tố văn học được chuyển tải một cách tinh tế và chứa nhiều tư tưởng .


Ngay từ thuở sơ khai của Progressive Rock, nguồn cảm hứng bất tận từ văn học đã được ban nhạc như Pink Floyd, King Crimson chuyển tải thành các bản nhạc đầy mơ ảo và đậm chất thơ. Album đầu tiên dưới cái tên Pink Floyd đã chứng tỏ sự lan toả của văn học tới Progressive Rock khi mà tên album The Piper At The Gates Of Dawn chính là tên chương VII của cuốn tiểu thuyết “Ngọn gió trong những rặng liễu” (The Wind in the Willows) của nhà văn người Scotland là Kenneth Grahame . Đây là cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi mà ông viết tặng con mình .



Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc sống của các động vật ven khu bờ sông như ngài Cóc, bác Lửng, cậu Chuột trũi. Syd Barrett với ánh mắt lạnh lùng vô cảm làm cho Pink Floyd có chất phiêu diêu Psychedelic tràn ngập.

Pink Floyd .....

Từ cái tên Pink Floyd đến tên album đầu tay cũng là ý tưởng của Syd Barrett, ở album này Syd như là một người nhạc trưởng chủ đạo .Chắc hẳn những ca khúc kinh điển Astronomy Domine, Lucifer Sam, Matilda Mother, Bike và See Emily Play (ở version phát hành tại Mỹ và Nhật) sẽ còn ám ảnh người nghe mãi.


Những bậc lão làng King Crimson với sự pha trộn Jazz vào Progressive Rock đã làm cho Progressive Rock có một vẻ khác biệt. Album In the court of the Crimson với việc thử nghiệm chơi nhiều nhạc cụ như metrollon, kèn hơi, reed và sử dụng các kĩ thuật phức tạp đã từ lâu được người lâu đánh giá là dấu mốc thực sự cho Progressive Rock.



King Crimson....


Ở Album Beat,
điểm nhấn của album là ca khúc Neal and Jack and me .Ca khúc này được tạo cảm hứng từ những tác phẩm của hai nhà thơ Neal Cassady và nhà văn Jack Kerouac. Đây là hai nhà văn của thế kỉ 20 và là hai người bạn thân của nhau .Cùng với Allen Ginsberg và Williams S.Burroughs, họ là những trụ cột cho trường phái văn học có tên “Beat Generation”. Tác phẩm “On the Road” của Jack Kerouac có sự đóng góp rất lớn của Neal Cassady. Những dòng thơ của Neal có ảnh hưởng nhiều tới các nghệ sĩ nhạc rock. Bài The Other One của Grateful Dead đã từng nhắc tới Neal với hình ảnh Cowboy Neal :

The bus came by and I got on, that's when it all began
There was Cowboy Neal at the wheel of the bus to Nevereverland".



Đại diện tiêu biểu nhất của Symphonic Progressive Rock có lẽ là Genesis .Những thành viên của Genesis về sau này hầu như ai cũng nổi tiếng ở sự nghiệp solo, chắc hẳn ai cũng một lần nghe Phil Colins hay Peter Gabriel hay nếu nghe nhiều Progressive Rock sẽ quen thuộc với cái tên Steve Hackett, Tony Banks, Mike Rutherford .

The image “http://mitkadem.homestead.com/files/Genesis_Band_70s_RutherfordCoollinsBanks_Hackett.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.
Genesis .........
Nhạc của Genesis bắt nguồn từ chất nhạc pop (điển hình là album đầu tay “From Genesis to Revelation”) song có cấu trúc khá phức tạp, giàu giai điệu ...lúc nhanh, mạnh mẽ rồi có khi uyển chuyển sang ngọt ngào du dương. Cũng một phần bởi giàu giai điệu và hay biến tấu nên khá hợp với việc đưa các tác phẩm văn học vào Progressive Rock .Album nổi tiếng The Lamb Lies Down On Broadway phát hành năm 1974 lấy cảm hứng từ cuốn sách The Trial của Frank Kafka .Chủ đề xuyên suốt album được dựa trên câu chuyện của The Trial về một nhân viên nhà băng tận tâm là Joseph K. Một buổi sáng ông bị cảnh sát bắt đi và thả tù ông vì một lý do không rành mạch .Cố gắng của Joseph để tìm hiểu lý do bị bắt và chứng minh sự trong sạch của ông đã dẫn ông vào một thế giới của sự quan liêu và những cơn ác mộng Kafka .Cuốn sách hơi kì lạ này đã tạo cảm hứng mạnh mẽ cho Genesis để tạo nên một album bất hủ . Cuốn sách này cũng được các nhà làm phim Holywood dựng thành phim vào năm 1963.


Chân dung nhà văn Frank Kafka..


Ở Việt Nam có bài Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã của ban nhạc Ngọn Lửa Nhỏ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của Jack London thì trước đó rất lâu ca khúc White Mountain của Genesis cũng được dựa trên một tiểu thuyết của Jack London là “Nanh Trắng” .Những tác phẩm của Jack London thưởng nổi bật lên vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên và những mảnh đời,sự đấu tranh của con người ,loài vật với thiên nhiên.

Chân dung nhà văn Jack London..

Mỗi khi đọc những tác phẩm của Jack London làm người đọc như đi lạc vào một thế giới của những ngọn núi nhấp nhô ,của những rặng thông ,bạch dương lá nhọn ,tuyết phủ trắng xoá mà trên đó những con sói ,chó cũng có số phận như con người . Đọc lyric bài White Mountain cũng thấy được phần nào câu chuyện của “Nanh Trắng”:

Thin hung the web like a trap in a cage
The fox lay asleep in his lair
Fangs frantic paws told the tale of his sin
Far off the chase shrieked revenge

Mạng nhện mỏng treo lơ lửng như bẫy ở trong lồng

Con sói lay mình thiếp đi trong hang sâu

Nanh trắng điên cuồng lấy chân cào đất kể về truyền thuyết của tội ác của nó

Đằng xa là tiếng la inh tai của cuộc ruợt đưổi cho mối thù hằn

Rồi

Fang, Son of Great Fang, the Traitor we seek
The laws of the Brethren say this:
That only the King sees the Crown of the Gods
And he, the Ursurper must die –

Nanh trắng, con của Nanh lớn, Kẻ phàn bội chúng ta tìm

Luật của Brethen nói rằng:

Chỉ có chúa tể mới nhìn thấy vương miện của chúa

Và hắn, phải chết ….


Nói đến ban nhạc Progressive Rock có lời ca giàu trí tưởng tượng nhất và là một trong những ban nhạc có tầm ảnh hưởng sâu sắc tới Progressive Rock nhất thì đó phải là Rush .

Rush 2112 Picture - Alex Lifeson, Neil Peart, Geddy Lee




















Ban nhạc 3 mẩu Rush, khẩu đại bác Prog của Canada...

Chính chất Progressive của Rush sau này đã tạo nguồn động lực mạnh mẽ cho QueensrycheFates Warning đi tiên phong cho thể loại trộn lẫn Progressive Rock với Heavy MetalProgressive Metal ,từ đó Prog Metal là một nhánh rất phát triển của Progressive Rock mà đại diện tiêu biểu nhất có lẽ là Dream Theater . Lời ca của Rush rất phong phú và đậm trí tưởng tưởng bởi người viết lyrics của Rush là tay trống lừng danh Neil Peart là một người có sở thích đi đây đi đó và mỗi lần có một sự ấn tượng về một nơi hay một tác phẩm nào đó là Neil lại đưa nó lên lời ca .

The image “http://www.itullians.com/Lpages/foto/rush/neil_peart.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.
Neil Peart thời trẻ....


Neil Peart
đã từng đi thăm ngọn Vạn Lý Trường Thành, và khi ngồi nghỉ trên ngọn Tai shan ông đã lặng lẽ ngồi viết ca khúc “Tai Shan” trong đó có nhắc tới 7000 bậc thang để lên được đỉnh ngọn Tai Shan, với tay một cái là chạm tới trời như là một phép ví von so sánh hợp lý . Neil Peart cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi Văn học .Có lẽ để liệt kê các ví dụ ra giấy thì cũng phải phủ kín mấy mặt A4. Đơn cử như bản nhạc nổi tiếng Tom Sawyer được lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết “ Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” của nhà văn Mỹ Mark Twain trong đó Neil Peart nói về một Tom Sawyer của thời đại ngày nay . Trong tiểu thuyết, Mark Twain kể về cậu bé Tom hiếu động với những nét lém lỉnh và tinh ranh của một đứa trẻ thông minh .Và cũng bởi cậu hiếu động thích nghịch ngợm nên nhiều khi bị bà dì và người khác mắng là “Thằng ranh con,
đồ vô lại, đồ quỷ quái” .Một Tom Sawyer của ngày hôm nay là sự kiêu hãnh và vẻ ấn tượng theo như ý tưởng của Neil Peart.


Ở album phát hành năm 1991 của Rush là Roll The Bones tư tưởng xuyên suốt album là dựa trên tác phẩm Gonna Roll The Bones của nhà văn Fritz Leiber trong đó thì ca khúc Roll the bones trong album là bị ảnh hưởng nhiều nhất .Truyện ngắn Gonna Roll The Bones là một câu chuyện rùng rợn ly kì của Joe Slattermill .Vào một đêm anh chán nản căn nhà đổ nát của mình và quyết định bỏ lại vợ và mẹ lại để đi tới một nơi khác là The Boneyard để lao đầu vào những vụ cá cược bài và vận may của con xúc xắc .Và câu chuyện li kì bắt đầu từ đó ,của những điều lạ kì và không bình thường .Tác phẩm được trao giải thưởng văn học lớn là giải Hugo và giải Nebula.



Còn khá nhiều bản nhạc của Rush mang hơi hướng văn học của Ernest Hemingway và Oscar Wilde …các tiểu thuyết truyện ngắn của hai nhà văn thường bế tắc và đi đến chỗ không lối thoát và cả hai đều có một cái chết thương tâm. Hemingway thì chán với cuộc sống tuyệt vọng nên đã tìm tới cái chết bằng cách tự tử giống cha mình còn Oscar Wilde chết trong một khách sạn rẻ tiền ở Paris vào năm 1900 không một xu dính túi .Nhưng thực sự cả hai đều có một tài năng đặc biệt và tác phẩm của họ trở nên bất hủ .Neil Peart bị ám ảnh bởi các truyện ngắn và tiểu thuyết của cả hai .Trong bài “Between the wheels” của Rush ta có thể thấy đề cập tới “thế hệ mất mát(The lost generation) mà Hemingway đã từng nhắc đến nhiều lần trong tác phẩm “Mặt trời vẫn mọc” (The Sun Also Rises) của mình về thế hệ thời đó .Tác phẩm này còn là nguồn cảm hứng cho ca khúc “Losing It” với câu “where the sun will rise no more” .


Tiểu thuyết “Giã Từ Vũ Khí(A Farewell To Arms) của Ernest Hemingway gợi ý tưởng cho Neil Peart viết lên ca khúc “A Farewell to Kings” nổi tiếng. Giã Từ Vũ Khí là một trong những tiểu thuyết để đời nhất của Hemingway. Đó là một câu chuyện tình yêu của một người lính nhưng rồi cuộc tình đó kết thúc trong đau đớn khi mà Catherine của anh qua đời khi còn cô đang còn mang trong mình đứa con của anh. Đó còn là một tác phẩm khảo sát về hiện thực chiến tranh ,người ta không những phải học cách sống cho đẹp mà còn học cách chết .Số phận con người trong chiến tranh như là một hình ảnh bi thương ,bị kết án bởi định mệnh hay thay đổi .Câu chuyện chứa đụng bên trong cường độ và bi kịch ,diễn ra với hậu cảnh là chiến tranh, với nhịp độ thay đổi theo vui-buồn ,theo cảnh sống và cảnh chết .Cùng với “Chuông Nguyện Hồn Ai”(For whom the bell tolls) ,hình ảnh cái chết được đưa lên để bàn luận, trong chiến tranh ,cái chết thật mỏng manh .Hình ảnh Chuông Nguyện Hồn Ai cũng xuất hiện trong ca khúc “Losing It” của Rush , đọc lời ca của Losing it ta sẽ thấy có đoạn “For you , the blind who once could see, the bell tolls for three” . Ta thấy xuyên suốt ca khúc “Losing It” trong album “Signals” là màu sắc Hemingway.


Nhà văn Ernest Hemingway thời trẻ khi còn trong quân ngũ....

Đối với truyện ngắn và các tác phẩm kịch của Oscar Wilde cũng gây ấn tượng mạnh mẽ với Neil Peart. Neil đã đưa vở kịch Người hâm mộ của quý bà Winderrmere (Lady Winderrmere’s Fan) vào hai ca khúc của Rush là “Resist” và “The Pass” ca. Trong ca khúc Resist ta có thể thấy được lời thoại của có ở vở kịch này là câu nói nổi tiếng “I can resist everything exept temptation”(tôi có thể cưỡng lại mọi thứ trừ sự cám dỗ) và tiêu đề Resist cũng lấy cảm hứng từ câu này .Còn một câu khác trong vở kịch cũng được đề cập tới trong bài “The Pass” là “We are all in the gutter, but some of us are looking at the stars” (Chúng ta đều ở tầng lớp cặn bã của xã hội ,nhưng chỉ một số trong chúng ta đang nhìn tới những vì sao sáng) .Câu nói nổi tiếng này trong vở kịch trước đó đã được ban nhạc The Pretenders nhắc tới trong bài hát “Message Of Love” .Sau khi album mới đây của Rush là Vapor Trails ra đời thì Neil Peart có tâm sự rằng chính truyện ngắn của Oscar Wilde đã tạo cảm hứng cho ông viết câu “If culture is the curse of the thinking class” trong bài “Ceiling Unlimited” .



Một cái tên nữa phải đề cập tới đó là Alan Parsons Project với nỗ lực chuyển tải thơ và truyện ngắn của Edgar Alan Poe vào âm nhạc .


Alan Parsons Project.....


Alan Parsons trước đó được biết tới như là một kĩ sư hoà âm tài năng với việc tham gia hoà âm cho 2 album cực kì kinh điển là Abbey Road của The Beatles và siêu phẩm Dark Side Of The Moon của Pink Floyd. Tales of the mysterious and imagination là thử nghiệm đầu tay của Alan Parsons với sự cộng tác của đội ngũ đông đảo các nhạc công giỏi để phục vụ ý tưởng âm nhạc xen lẫn với văn học của Alan Parsons. Và quả thật với album Tales of the mysterious and imagination Alan Parsons đã đạt được hiệu quả đáng kinh ngạc của việc thử nghiệm một concept album dựa trên cảm hứng từ những bài thơ và truyện ngắn của Edgar Allan Poe.


Bìa album Truyền thuyết về sự kì bí và nỗi tưởng tượng...

Các truyện đã được dịch sang tiếng Việt thì nổi bật nhất là hai truyện “Con Mèo Đen” và “Sự suy tàn của ngôi nhà Acsơ” . Dựa trên sự liên tưởng huyền bí từ “Sự suy tàn của ngôi nhà Acsơ” mà Alan Parsons Project đã khéo léo xử lý nó thành một bản nhạc dài trên 20 phút và chia làm 5 phần ,gần như thể loại “Thơ giao hưởng” và đây cũng là một đặc trưng của Progressive Rock .Tư tưởng chuyển tải khi đọc những truyện ngắn của Allan Poe là sự kì bí ,hơi quái dị và cảm giác sợ hãi .Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của ông là bài “Con Quạ” đã được Alan Parsons Project nhào đắp thành một ca khúc kinh điển ,có thể nói “The Raven” (con quạ) là điểm nhấn của album ,sự chuyển tiếp nhịp nhàng từ bản nhạc hoà tấu khởi đầu album “A dream within a dream”. Đây cũng là tên của một bài thơ của Allan Poe, đoạn đọc tiếng anh mang hơi hướng thần bí của những kim tự tháp ai cập và những xác ướp cổ đại được thêm vào cũng là đoạn trích trong truyện ngắn “Marginalia” của Allan Poe. Album được kết thúc bởi “To one for the paradise”( cũng dựa trên bài thơ cùng tên của Edgar Allan Poe) được hát bởi Terry Sylvester với background là của dàn đồng ca của trường Westminster CityJane Powell. Eric Woolfson Alan Parsons là 2 người chủ chốt làm nên thành công của Tales of mysterious and Imagination .Cả album hiện lên với màu sắc tĩnh mịch trong một bầu khí quyển tối tăm và huyền bí của những kim tự tháp và xác ướp cổ đại của Ai cập.



Ban nhạc YES, một trong những tiên phong của Prog Rock...

Những cái tên Pink Floyd ,King Crimson, Moody Blues, Genesis, Yes… ngay từ những năm tháng đầu của Progressive Rock thì nước Anh xứng đáng với tên gọi “Cái nôi của Progressive Rock” . Với Yes ,phải công nhận rằng album Tale of Topographic Oceans (Truyền Thuyết của đại dương vẽ địa hình) là một kiệt tác của Progressive Rock …đối với người nghe Prog rock thì album này cũng không thua kém gì “Dark side of the moon” của Pink Floyd hay “In the court of the Crimson Kingcủa King Crimson . Có được thành công đó phải kể đến tài năng của những thành viên của ban nhạc đặc biệt là ca sĩ với mái tóc bồng bềnh Jon Anderson ,tay bass Chris Squire , nhà kiến trúc guitar Steve Howe và tay keyboard tài năng Rick Wakeman .

Phù thuỷ Keyboard Rick Wakeman....


Sau này Rick Wakeman tách ra chơi solo và đạt được rất nhiều thành công .Ngày nay nếu nhắc tới Rick Wakeman thì người ta cũng sẽ nhắc nhiều tới sự nghiệp solo của anh thay vì với vai trò chơi Keyboard cho YES .Ngoài ra Rick Wakeman được biết đến như là một trong những nghệ sĩ Progressive Rock phát hành nhiều album nhất .Album nổi trội nhất trong sự nghiệp solo của Rick Wakeman phải kể đến “Journey to the Center of the Earth”(Cuộc phiêu lưu vào lòng đất) . Chỉ cần nghe tên album thì người ta cũng có thể nhận ra một điều là album này lấy nguồn cảm xúc từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Pháp viết truyện phiêu lưu mạo hiểm viễn tưởng kiệt xuất Jules Verne .” Cuộc phiêu lưu vào lòng đất” của Rick được thu cùng dàn nhạc giao hưởng LondonDàn hợp xướng thính phòng hoàng gia Anh . Thêm vào đó là sự cộng tác của David Hemmings làm người dẫn truyện thuật lại các đoạn trong tiểu thuyết “Cuộc phiêu lưu vào lòng đất”.

Bìa cuốn tiểu thuyết Cuộc thám hiểm vào lòng đất của Jules Verne...


Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc phiêu lưu rất li kì và bí hiểm vào trong lòng đất của giáo sư Von Hardwigg và cháu ông cùng anh giúp việc .
Cuộc thám hiểm được tiến hành sau khi giáo sư Hardwigg giải được những đoạn mật mã về con đường đi vào lòng đất xuyên qua một ngọn núi lửa đã tắt một thời gian rất dài .Với trí tưởng tượng phong phú của Jules Verne, cuộc thám hiểm vào trong lòng đất được tô điểm bằng những chi tiết hết sức thú vị và kì lạ của cuộc sống dưới lòng đất với những con sông nước nóng, những cây cổ thụ và những sinh vật của những kỷ trước . Những điểm kì lạ của chuyến phiêu lưu được chuyển tải bằng những thứ âm nhạc tinh tế của kèn Clavinet, đàn Hammond ,tiếng Metrollon, và đặc biệt là tiếng Moog Synthesizer( một loại nhạc cụ điện tử dùng để tái tạo ra những âm thanh khác nhau và có thể bắt chước được tiếng nhạc cụ khác ) ,dĩ nhiên không thể không kể tới sự giúp sức của dàn nhạc giao hưởng London và dàn hợp xướng thính phòng Anh trong việc tạo ra những âm thanh mang tính chất cổ điển.