Classic Rock, Prog Rock World of TienQueen

Đây là một Blog về Classic Rock và Progressive Rock của Đoàn Lương Tiến (TienQueen, Kashmir), hiện đang là sinh viên năm thứ 3 ngành Computer Engineering khoa Computing của trường Đại học Quốc Gia Singapore. Mong các bạn tìm thấy ở đây một góc nhỏ để thả hồn vào cùng Classic và Prog Rock!

I wrote above lines when i was a sophomore, i'd like to keep that. Just a corner for my Prog n Classic Rock thoughts. Now I don't blogging much, follow me on twitter: tienqueen.

Sunday, June 25, 2006

PROG CAFE RADIO SHOW SERIES BY KASHMIR

TUẦN 6 : FRANK ZAPPA

AUDIO: PROG CAFE NO 6 (Right Click and Save Target As...)

I. CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA FRANK ZAPPA

Kì quái, điên điên, pha một chút hài hước...những nét mà mới thoáng
qua bạn có thể cảm nhận được ở một thiên tài nhạc Rock, Frank Zappa.
Những điều đó được chuyển tải qua từng bài hát, nếu bản nhạc phiêu
diêu huyền bí Purple Haze của Jimi Hendrix có đoạn "Excuse me, I kiss
the sky"
thì ở bản cover vui nhộn quái quái của mình Frank đổi thành
"Excuse me, I kiss this guy" ...Rồi những bài hát có những cái tên rất
Ăng lê như "Tại sau lại cảm thấy đau khi đi đái" (Why do I feel hurt
when I Pee), "Đừng ăn bông tuyết vàng" (Don't eat the yellow Snow),
"Anh hứa sẽ không xuất tinh vào miệng em nữa" (I promise not to come
in your mouth)
. Sàn diễn đối với Frank giống như một xưởng chế tạo
nhạc thì đúng hơn, vận những bộ quần áo kì quái như áo liền quần đỏ từ
đầu đến chân, thử nghiệm những loại nhạc cụ mới và kiểu âm thanh mới.



Frank Vincent Zappa sinh ra ở Baltimore vào ngày 12 tháng 12 năm
1940, cùng tuổi với John Lennon, và sau này 2 người là những người bạn
của nhau và từng cùng hát chung trong 1 ca khúc bất hủ là Baby Please
Don't Go. Khi lên 10, cậu bé Frank cùng gia đình chuyển tới California
sống. Nhạc cụ đầu tiên mà cậu bé được làm quen là bộ trống. Vào thời
điểm đó Frank rất yêu thích nhạc Rhymth&Blues. Nhưng vào năm 1954, cậu
bé 14 tuổi tình cờ có được đĩa "The Complete Works Of Edgar Varése,
Vol I"
. Frank bị lôi cuốn bởi chất liệu nhạc kì lạ và khó hiểu. Phong
cách đặc trưng sau này của Frank Zappa được hình thành những bước đi
đầu tiên chính vào thời gian này. Trong suốt thời gian học trung học,
Frank có tham gia ở một số ban nhạc, nhưng Frank không bắt đầu viết
nhạc RockNRoll cho đến độ tuổi gần 20.Frank bắt đầu viết nhạc giao
hưởng từ năm 18 tuổi. Và một số sáng tác đầu tay này là anh viết phần
nhạc cho 2 bộ phim "The World's Greatest Sinner" và "Run Home Slow"(kịch bản được viết bởi thầy dậy Ngữ văn của Frank).


BAN NHẠC THE MOTHERS OF INVENTION



Đến năm 1964 anh tham gia ban nhạc The Soul Giants, và ít lâu sau
anh đổi tên ban nhạc thành The Mothers (viết tắt của cụm từ
Motherfuckers). Và chẳng mấy lâu sau ban nhạc gây được sự chú ý của
nhà sản xuất Tom Wilson. The Mothers có được hợp đồng với chi nhánh
Verve của MGM và sau đó họ lại đổi tên ban nhạc thành The Mothers Of
Invention vì phía hãng đĩa MGM cho rằng cái tên The Mothers là mang
tính nhạo báng một từ có ý nghĩa. Họ cho xuất xưởng album đầu tiên
"Freak Out"(Phiêu diêu, Đê mê). Đó là một đĩa đôi và cũng là bộ đĩa
đôi thứ 2 được phát hành sau album "Blonde on Blonde" của Bob Dylan.Và
nếu có ai nói đến tầm ảnh hưởng tới Prog Rock thì xin được nói rằng
đây là 1 concept album đầu tiên được phát hành. Cột mốc này bao gồm
những đoạn nhạc pha trộn kì dị của nhạc Rhymth&Blues hay nói đúng hơn
là những bản nhạc cách tân những âm thanh nghịch tai. Với album đầu
tiên này, Frank đã để lại cho Prog Rock những bản nhạc kinh điển và là
một trong những người tiên phong cho Prog Rock theo hướng thử nghiệm
nhạc cụ.

BÌA ĐĨA ALBUM SGT.LONELY HEARTS CLUB BAND CỦA BEATLES


Nếu nhạc Classic Rock để lại một trong những di sản đáng quý là album
Sgt.Pepper's Lonely Hearts Club Band (Đó cũng là một trong những album
mở đường cho Prog Rock) thì Prog Rock có hàng nhái thần sầu bởi Frank
Zappa là album "We're Only In It For Money"...Ở đó ta thấy được một
không khí phiêu diêu và một thứ văn hoá "Hippie" . Chỉ cần nhìn bìa
đĩa của 2 album này bạn cũng có thể hiểu được phần nào sự quái dị của
Frank.


BÌA ĐĨA ALBUM WE'RE ONLY IN IT FOR MONEY CỦA FRANK ZAPPA



Vào ngày 20 tháng 8 năm 1969, Frank Zappa giải tán ban nhạc The
Mothers of Invention. Những thành viên ban nhạc hầu hết trở nên nổi
tiếng sau này, điểm qua gồm Frank ZAPPA (guitar, vocals, và đủ thứ
khác), Ray COLLINS (vocals), Jimmy Carl BLACK (một người ấn độ, xử lý
drums và percussion), Roy ESTRADA (bass, vocals), Don PRESTON
(keyboards), Billy MUNDI (drums), Bunk GARDNER (winds), Jim
'Motorhead' SHERWOOD (winds), Ian UNDERWOOD (winds, piano) và Ruth
UNDERWOOD (percussion)
. Một số trong họ sau này vẫn chơi cùng Frank
trong sự nghiệp sáng tác solo của anh.

THE MOTHERS OF INVENTION và sự kì quăc..........



Năm 1970 Frank cho ra đời một phiên bản mới của The Mothers với 2
thành viên đến từ ban nhạc The Turtles (thời gian gần đây lại tái nổi
tiếng với bản nhạc Happy Together được sử dụng cho quảng cáo Heineken)
là Mark Volman và Howard Kaylan, họ thường được gọi bằng tên hiệu là
Flo và Eddie. Đội ngũ mới của Frank cũng không tồn tại được lâu vì
trong một đêm diễn ở Nhà Hát Cầu Vồng (Rainbow Theatre) ở London,
Frank đã bị một khán giả cuồng nhiệt đầy từ sân khấu xuống. Anh bị
thương nặng vì vụ đó. Sau khi hồi phục Frank lại lập lại The Mothers
với những cái tên Ian và Ruth UNDERWOOD, Tom FOWLER (bass), Bruce
FOWLER (trombone), George DUKE (keyboards), Jean-Luc PONTY (violin) và
Napoleon Murphy BROCK (saxophone)
...tất nhiên Frank vẫn đảm nhiệm vị
trí vocal và lead guitar. Với đội hình này Frank cho ra đời những bản
nhạc thử nghiệm trên chất liệu Blues Rock, những album "Over nite
Sensation", "Apostrophe" và "One Size Fits All
" được phát hành trong
thời kì này, đó cũng là những album được đánh giá rất cao.

Ở thập niên 70, Frank Zappa cũng bắt đầu thực hiện một số Project
với ông bạn từ thưở trung học cũng quái dị không kém là Don Van Vliet
(tự gọi mình là Captain Beefheart) với bản nhạc kinh điển Muffin' Man
mà cả 2 cùng tham gia. Ở thập kỉ 70 này phát kiến lớn nhất của Frank
Zappa là phát hiện ra Terry Bozzio, tay trống thuộc loại khủng long
cũng góp phần rất lớn vào công cuộc phát triển Prog Rock.

FRANK ZAPPA VÀ TERRY BOZZIO(ngoài cùng cánh trái)......


Cuối những năm 70 đầu những năm 80, Frank Zappa chính thức nhảy vào
công cuộc solo với sự giúp đỡ của những người bạn cũ của ông như Terry
BOZZIO (drums), Adrian BELEW (guitar, vocals) (thành viên thế hệ 8X
của King Crimson), Tommy MARS (keyboards, vocals), Patrick O'HEARN
(bass), Eddie JOBSON (violin, keyboards), Ray WHITE (guitar, vocals)
và Ike WILLIS (guitar, vocals)
. Vào năm 1979, cùng năm ra đời của
album The Wall của Pink Floyd, Frank Zappa cho xuất xuởng album "Joe's
Garage"
, một siêu phẩm Opera Rock về những chuyện xảy ra nếu âm nhạc
bị coi là trái pháp luật.

HẾT MÌNH TRÊN SÀN DIÊN.........



Trong thập niên 80 Frank vẫn cống hiến cho âm nhạc với một số album có
phần nặng hơn, thời gian này Steve Vai cũng tham gia chơi nhạc cùng và
đó là bệ phóng để cho thành công sau này của anh. Bên cạnh đó, Frank
thường thích ngồi thu lu thử nghiệm nhạc với chiếc đàn Synclavier (một
loại keyboard). Sau một cuộc cãi vã lớn vào năm 1988, Frank quyết định
giải tán hầu hết ban nhạc (những người tham gia chơi nhạc cho sự
nghiệp Solo của Frank). Thời gian này Frank chán nản việc chơi cùng cả
ban nhạc , ông dành thời gian để chơi guitar và cây Synclavier, và
sáng tác một số bản nhạc thuộc thể loại cổ điển như trong "The Yellow
Shark". Frank thập chí còn tiếp tục làm việc với những sáng tác mới
ngay cả khi bác sĩ phát hiện ra ông đang bị ung thư tuyến tiền liệt.Không lâu sau ông qua đời vì căn bệnh quái ác này vào ngày mồng 4 tháng 12 năm 1993, ở tuổi 53...để lại một sự mất mát to lớn cho những thể loại Acid Rock,Jazz rock, Prog Rock... thế giới mất đi một nhà soạn nhạc đầy sáng tạo và đồng thời là một nhà xã hội học.

II.MỘT SỐ BẢN NHẠC CỦA FRANK ZAPPA.......

1. FRANK ZAPPA VS CAPTAIN BEEFHEART - MUFFIN' MAN

2. FRANK ZAPPA - PURPLE HAZE(Jimi Hendrix original)

3. FRANK ZAPPA - PYGMY TWYLYTE(Album Roxy&Everywhere)


III.LISTEN TO PROG CAFE RADIO SHOW:

AUDIO: PROG CAFE NO 6 (Right Click and Save Target As...)
ONLINE LISTENING: HERE

PROG CAFE RADIO SHOW SERIES BY KASHMIR

TUẦN 5: Rick Wakeman and The Journey To The Centre of the Earth

No.5:PROGRESSIVE ROCK VÀ LIÊN TƯỞNG VĂN HỌC (PART IV)


Audio: PROG CAFE NO 5 (Right Click and Save Target As...)




Những cái tên Pink Floyd ,King Crimson, Moody Blues, Genesis, Yes… ngay từ những năm tháng đầu của Progressive Rock thì nước Anh xứng đáng với tên gọi “Cái nôi của Progressive Rock” . Với Yes ,phải công nhận rằng album “Tale of Topographic Oceans” (Truyền Thuyết của đại dương vẽ địa hình) là một kiệt tác của Progressive Rock …đối với người nghe Prog rock thì album này cũng không thua kém gì “Dark side of the moon” của Pink Floyd hay “In the court of the Crimson King” của King Crimson . Có được thành công đó phải kể đến tài năng của những thành viên của ban nhạc đặc biệt là ca sĩ với mái tóc bồng bềnh Jon Anderson ,tay bass Chris Squire , nhà kiến trúc guitar Steve Howe và tay keyboard tài năng Rick Wakeman .



Sau này Rick Wakeman tách ra chơi solo và đạt được rất nhiều thành công .Ngày nay nếu nhắc tới Rick Wakeman thì người ta cũng sẽ nhắc nhiều tới sự nghiệp solo của anh thay vì với vai trò chơi Keyboard cho YES .Ngoài ra Rick Wakeman được biết đến như là một trong những nghệ sĩ Progressive Rock phát hành nhiều album nhất .Album nổi trội nhất trong sự nghiệp solo của Rick Wakeman phải kể đến “Journey to the Center of the Earth”(Cuộc phiêu lưu vào lòng đất) . Chỉ cần nghe tên album thì người ta cũng có thể nhận ra một điều là album này lấy nguồn cảm xúc từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Pháp viết truyện phiêu lưu mạo hiểm viễn tưởng kiệt xuất Jules Verne .” Cuộc phiêu lưu vào lòng đất” của Rick được thu cùng dàn nhạc giao hưởng London và Dàn hợp xướng thính phòng hoàng gia Anh . Thêm vào đó là sự cộng tác của David Hemmings làm người dẫn truyện thuật lại các đoạn trong tiểu thuyết “Cuộc phiêu lưu vào lòng đất”.

NỘI DUNG TRUYỆN CUỘC PHIÊU LƯU VÀO LÒNG ĐẤT (JULES VERNE)


JULES VERNE

Sau khi giải mã được đoạn mật mã tình cờ tìm được trong một cuốn sách cổ, giáo sư địa chất học tên là Hargwigg quyết định thực hiện chuyến du hành vào lòng đất mà như trong đoạn mật mã đó khẳng định là có thể thực hiện được. Nguyên lý đưa ra là có thể đi sâu vào lòng đất từ một con đường hình thành từ một ngọn núi lửa đã tắt lâu đời ở mảnh đất Aixolen băng giá. Với một cuộc tranh luận vế sự gia tăng nhiệt độ khi đi sâu vào lòng đất , giáo sư Hargwigg đã thuyết phục được cháu mình là cậu bé Harry tham gia chuyến thám hiểm.

Chuẩn bị kĩ càng những vật dùng và đồ ăn thiết yếu, hai chú cháu giáo sư đã đến được chân ngọn núi Sneffels ở Aixolen, địa điểm mà đoạn mã hướng dẫn là có thể tiến sâu vào lòng đất. Hai chú cháu giáo sư tìm được một người bản địa tên là Hans làm hoa tiêu cho chuyến đi. Đoàn thám hiểm gồm 3 người: 2 chú cháu giáo sư Hargwigg và anh chàng hoa tiêu Hans được hình thành. Họ phải leo lên đỉnh ngọn Sneffels với vô số vật dụng đeo trên mình, lúc mệt thì họ nghỉ ngơi tại nhà của dân miền núi rất thân thiện. Mỗi lần dừng chân nghỉ như thế họ lại có được những kiến thức sâu rộng hơn về cuộc sống và nền văn hóa của dân Ai len. Rồi họ cũng tới được đỉnh của ngọn Sneffels, một ngọn núi lửa đã tắt từ lâu, nhưng cũng phải vài ngày sau họ mới bắt đầu đi vào lòng đất bởi trên đỉnh ngọn Sneffels có 3 đường hầm hình thành từ ngọn núi lửa đã tắt, họ lưỡng lự không biết chọn con đường nào để bắt đầu chuyến thám hiểm. Được Hans dậy cho cách sử dụng dây cáp để leo xuống nên họ đã đi được hơn 1 dặm đường trong ngày đầu tiên. Căn cứ vào dữ liệu có được giáo sư Hargwigg giải thích rằng họ đang ở cùng với mực nước biển và chuyến thám hiểm mới chỉ thực sự bắt đầu. Nếu các bạn nào biết Vật lý một chút thì có thể biết được cách giáo sư làm là căn cứ vào áp suất không khí.


Minh họa chi tiết của cuộc thám hiểm

Khi đi hết đoạn đường hầm chạy dài từ đỉnh ngọn Sneffels xuống, họ gặp phải một ngã rẽ ra 4 ngả đường và lần này thì giáo sư Hargwigg đã nhanh chóng chọn được một con đường để đi tiếp. Sau vài ngày đi bộ vất vả và nước mang theo đã gần hết, họ đành phải quay ngược trở lại vì con đường đang đi dẫn họ đến một ngõ cụt. Cuối cùng họ cũng quay trở lại được ngã tư mà họ gặp lúc đầu. Lúc này Harry hết sức suy xụp và muốn quay trở lại mặt đất. Mặc dù giáo sư đã giải thích rất kĩ cho Harry về chuyến đi vẫn có thể thực hiện tiếp nhưng Harry đề nghị rằng cậu sẽ bỏ dở cuộc thám hiểm nếu trong vòng 1 ngày nữa không tìm ra nguồn nước. Lần này họ chọn một ngã rẽ khác và tình cờ con đường này lại dẫn họ đến một nguồn nước là một dòng suối.


Rick Wakeman

Những ngày sau họ tìm được một con đường đi mà men theo con đường hầm này họ lại đi tiếp được thêm 21 dặm vào lòng đất. Tiếp tục cuộc hành trình một cách hăm hở, Harry đi đầu tiên và sớm nhận ra rằng cậu đã đi quá nhanh và đã bị lạc khỏi nhóm giáo sư Harwigg và anh hoa tiêu Hans. Harry bèn đi ngược lại con đường mình đi với hi vọng gặp lại chú mình nhưng dần dần cậu trở nên thất vọng vì con đường đó không dẫn đến đâu. Nhưng đến ngày thứ tư cậu tình cờ gặp lại được anh hoa tiêu Hans cùng chú mình là giáo sư Hargwigg. Lúc này Harry rất mệt mỏi và uể oải vì thiếu thức ăn. Dần dần với sự giúp đỡ của anh hoa tiêu Hans, Harry bình phục trở lại.

Rồi họ nghe đi tiếp xuống và nghe được âm thanh của sóng và họ nghĩ rằng họ đã nhìn thấy ánh sáng, một điều rất kì lạ vì họ đang ở sâu trong lòng đất không ánh mặt trời. Trong thực tế, đoàn thám hiểm đã đến được một biển dưới lòng đất mà họ gọi là Biển trung tâm. Đến đoạn này của cuốn tiểu thuyết thì những giải thích khoa học thường xuyên xuất hiện và đó cũng là đặc trưng riêng ở các tác phẩm của Jules Verne. Thám hiểm những vùng xung quanh biển Trung tâm, những lữ hành gia của chúng ta tìm thấy được một nơi nhìn như một khu rừng nhưng chỉ là những cây nấm cổ thụ cao 40 feet. Trước sữ kinh ngạc của Harry, giáo sư Hargwigg đã giải thích cho cậu bé nghe tại sao lại thấy được những khu rừng nấm cổ thụ sống dưới lòng trái đất được. Họ tiếp tục khám phá vùng xung quanh và tìm thêm được những hóa thạch xương của những chú Voi ma mút và những hiện vật khác về cây cỏ và hóa thạch động vật.


Rick Wakeman bên dàn Keyboard của mình

Nhưng dần dần giáo sư trở nên mất kiên nhẫn vì đại dương này rộng hơn so với suy nghĩ của ông, và họ thì chưa tiến sâu thêm vào lòng đất được chút nào. Trong lúc cố gắng tính độ sâu của lòng biển giáo sư đã buộc chiếc đòn bẩy mang theo vào một sợi dây và tung xuống lòng biển. Tuy nhiên thả hết cả sợi dây dài 200 sải (1 sải = 1.82m) mà vẫn chưa chạm được đáy biển. Lúc lôi lên thì chiếc đòn bẩy có những vết cắn lạ ở trên thân. Những ngày sau họ gặp phải 2 con quái vật lạ và may mắn là đã thoát khỏi chúng bởi họ nhanh chóng làm được một chiếc bè từ những vật liệu kiếm được quanh biển. Lênh đênh trên đại dương họ gần như chết đứng người khi nhìn thấy phía xa là một con vật khổng lồ hiện lên, nhưng khi đến gần họ mới thở phào nhẹ nhõm vì đó là một hòn đảo mà trên đó họ tìm được những mạch nước nóng ngầm. Harry thì cho rằng nhất định đâu đó phải có một nguồn nội nhiệt mạnh ở sâu trong lòng đất thì mới có nguồn nước nóng như thế nhưng giáo sư Hargwigg từ chối giả thuyết này vì nó đi ngược lại với những suy luận của ông.

Sáng hôm sau họ tiếp tục lên đường nhưng một cơn bão cuồng nộ tấn công họ trong vòng vài ngày. Những nhà thám hiểm cột chặt mình vào chiếc bè để tránh bị sóng đánh ngã xuống biển. Và lúc này lại là lúc để những giả thuyết khoa học được ứng dụng vào truyện. Những viên sét hòn nhẩy vào chiếc bè, phá nát chiếc buồm họ tự làm và hỏng cả mái chèo. Rất may những viên sét hòn này không làm họ bị thương. Sét hòn là giả thuyết rất thú vị của vật lý, nó trông như một quả cầu lửa di chuyển chậm trong không trung, có lúc phát nổ mạnh nhưng có lúc chỉ đột biến mất mà không gây phản ứng.


Tiểu thuyết được dựng thành phim vào năm 1959 bởi Holywood

Cuối cùng chiếc bè cũng đến được một vách đá lúc cơn bão vẫn hoành hành, và họ may mắn thoát chết bởi anh hoa tiêu Hans đã dũng cảm đưa được Harry lên bờ an toàn. Khi cơn bão suy thoái dần thì họ mới phát hiện ra rằng họ bị cơn bão đưa lại hòn đảo mà họ mới xuất phát nhưng ở phía khác. Giáo sư Hargwigg như nổi khùng lên vì điều đó nhưng rồi lại được công việc làm dịu đi, giáo sư đi quanh đảo để khám phá thiên nhiên. Hai chú cháu giáo sư tìm được rất nhiểu vỏ sò lớn và những cánh đồng xương. Harry nghĩ đó là những mảnh xương động vật nhưng giáo sư Hargwigg thì cho rằng đó là xương người. Harry chia sẻ những kiến thức nhỏ bé của mình về tầm quan trọng của những phát kiến về cổ sinh vật và hóa thạch của chú mình. Hai chú cháu bàn luận về Châu âu ở thời gian con người mới xuất hiện và thậm chí trước khi con người xuất hiện. Sau đó họ tìm được nhiều bộ xương người nữa và băn khoăn rằng liệu những người chết này chỉ sống ở dưới lòng đất không hay có thời gian sống ở trên mặt đất nữa.....

Tiếp tục cuộc thám hiểm họ tới được một khu rừng rất đẹp với những cây thông và cây dương xỉ. Họ gặp được những loài động vật khổng lồ nhưng voi ma mút và nhìn được ở phía xa một con vật khá giống người cao 12 feet. Lo sợ trước sự chạm trán với nó, họ nhanh chóng rời khỏi khu vực này và vẫn lởn vởn trong đầu những câu hỏi về nguồn gốc của loài người. Khi họ đi ngược trở lại tới bãi biển để chiếc bè, Harry tình cờ thấy được một chữ thập bị gỉ sét mà giáo sư tin rằng có từ thế kỉ thứ 16. Họ tìm thấy nét khắc chữ A.S trên cây thánh giá và theo giáo sư có thể là cảu Arne Saknussemm và quả quyết rằng có 1 đường hầm ở tảng đá gần nơi tìm thấy chiếc thánh giá. Họ dùng bom để đánh nổ tảng đá đó mong tìm ra một con đuờng. Vụ nổ khiến nước ở Biển Trung Tâm tràn vào và họ bị cuốn sâu vào con đuờng hầm đó trên chiếc bè. Harry ước lượng rằng vận tốc cuốn của họ có thể lên đến hơn 100 dặm 1 giờ và họ đã đi rất sâu vào lòng đất. Họ ngừng bị cuốn sâu cho đến khi bị một cột nước phun ngược trở lại

Khi Harry còn mơ mơ màng màng, cậu bé nghĩ rằng chiếc bè đã đến được một chiếc hang. Rồi một con quái vật nửa cá sấu nửa cá mập và một con tinh tinh to đang đuổi cậu. Khi những người sống sót tới bên Harry, cậu tỉnh dậy và nhận ra rằng cậu vẫn nằm trên chiếc bè nhưng họ đang bị đi lên phía trên vì cột nước phun ngược rất mạnh. Harry cảm thấy rất đói nhưng nhiệt độ xung quanh tăng lên đột ngột mới là nỗi lo chính của cậu. Và họ nhận ra cột nước đang kéo họ lên là từ một nguồn nước nóng ngầm. Giáo sư giải thích rằng đây là dấu hiệu một vụ phun trào sắp xảy ra và nếu không lên nhanh họ sẽ chạm trán với 1 dòng dung nham.

Cuối cùng dòng nước đã giúp họ lên mặt đât, để lại phía sau một trận phun trào sắp xảy ra, nơi họ bị bắn lên không phải là đỉnh ngọn Sneffens nữa mà là một vùng núi xa lạ. Họ nhanh chóng xuống núi và qua một chú mục đồng cho biết đây là một hòn đảo thuộc Stromboli ở Ý. Họ quay trở lại Đức và cả 3 người được đón nhận như những người hùng vì những khám phá lạ lùng và những mẩu hiện vật mang về của giáo sư Hargwigg.


Ca sĩ của ban nhạc Yes Jon Anderson và Rick Wakeman

TỔNG KẾT
Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc phiêu lưu rất li kì và bí hiểm vào trong lòng đất của giáo sư Von Hardwigg và cháu ông cùng anh giúp việc . Cuộc thám hiểm được tiến hành sau khi giáo sư Hardwigg giải được những đoạn mật mã về con đường đi vào lòng đất xuyên qua một ngọn núi lửa đã tắt một thời gian rất dài .Với trí tưởng tượng phong phú của Jules Verne, cuộc thám hiểm vào trong lòng đất được tô điểm bằng những chi tiết hết sức thú vị và kì lạ của cuộc sống dưới lòng đất với những con sông nước nóng, những cây cổ thụ và những sinh vật của những kỷ trước . Những điểm kì lạ của chuyến phiêu lưu được chuyển tải bằng những thứ âm nhạc tinh tế của kèn Clavinet, đàn Hammond ,tiếng Melotron, và đặc biệt là tiếng Moog Synthesizer( một loại nhạc cụ điện tử dùng để tái tạo ra những âm thanh khác nhau và có thể bắt chước được tiếng nhạc cụ khác ) ,dĩ nhiên không thể không kể tới sự giúp sức của dàn nhạc giao hưởng London và dàn hợp xướng thính phòng Anh trong việc tạo ra những âm thanh mang tính chất cổ điển. Và hơn hết là tài năng và sức sáng tạo không ngừng nghỉ của Rick Wakeman để đem lại cho Prog Rock một album chuẩn mực.

PROG CAFE RADIO SHOW SERIES

TUẦN 4: Prog Rock and Literary Imaginations Part III

No.4: PROGRESSIVE ROCK VÀ LIÊN TƯỞNG VĂN HỌC (PART III)

Audio: PROG CAFE NO 4 (Right Click and Save As...)



Nói về Prog rock và liên tưởng văn học thì một cái tên nữa phải nhắc tới đó là Alan Parsons Project với nỗ lực chuyển tải thơ và truyện ngắn của Edgar Alan Poe vào âm nhạc. Alan Parsons Project là một ban nhạc có cơ cấu khá đặc biệt, Alan Parsons là người nghĩ ý tưởng, soạn nhạc và kiêm nhà sản xuất, phần lời do Eric Woofson đảm nhận và họ mời các nhạc công chuyên nghiệp về tham gia vào mỗi Project của mình.



Alan Parsons trước đó được biết tới như là một kĩ sư hoà âm tài năng với việc tham gia hoà âm cho 2 album cực kì kinh điển là Abbey Road của The Beatles và siêu phẩm Dark Side Of The Moon của Pink Floyd. Tales of the mysterious and imagination Edgar Allan Poe, là thử nghiệm đầu tay của Alan Parsons với sự cộng tác của đội ngũ đông đảo các nhạc công giỏi để phục vụ ý tưởng âm nhạc xen lẫn với văn học của Alan Parsons.


Và quả thật với album Tales of the mysterious and imagination Alan Parsons đã đạt được hiệu quả đáng kinh ngạc của việc thử nghiệm một concept album dựa trên cảm hứng từ những bài thơ và truyện ngắn của Edgar Allan Poe. Nếu các album về sau của Alan Parsons Project với xu thế Pop hóa làm cho giới nghe nhạc luôn chia làm 2 phe khi xét họ là Prog Rock thì album này chính là cái cớ để phe cánh tả dựa vào để coi họ là một ban nhạc Prog Rock. Vì quả thật đây là một album concept rất tinh tế và đầy sự quyến rũ và hơn hết là hội đủ gần như tất cả các điều kiện cho một album Prog Rock chuẩn mực.

Cả album hiện lên với màu sắc tĩnh mịch trong một bầu khí quyển tối tăm và huyền bí của những kim tự tháp và xác ướp cổ đại của Ai cập. Người nghe như đi vào một thế giới hoang sơ, đầy bí ẩn, một thế giới siêu thực được tạo nên bởi ảo ảnh và những thực thể phiêu du. Ý tưởng âm nhạc này được lấy cảm hứng từ sự kì bí, hơi quái dị và nhuốm màu cảm giác sợ hãi của những bài thơ, truyện ngắn của nhà văn Edgar Allan Poe.


EDGAR ALLAN POE

Mở đầu album là bản nhạc A dream within a dream(Mơ trong Mơ) , âm thanh xung quanh rất ảm đạm và như bị trôi vào một xoáy tròn bởi đoạn đọc tiếng anh mang hơi hướng thần bí của những kim tự tháp ai cập và những xác ướp cổ đại. Những câu dẫn truyện này do Orson Welles thực hiện với một giọng tiếng anh Anh chuẩn mực nhưng lại làm người nghe sởn tóc gáy. “A dream within a dream” (Mơ trong Mơ) cũng là tên của một bài thơ của Allan Poe. Lại là một bài thơ với ý tưởng lạ lùng, những thứ xuất hiện trước mắt chỉ như một giấc mơ xuất hiện trong mơ.



Edgar Allan Poe được biết đến trên văn đàn với hai vai trò là nhà thơ và nhà văn. Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của ông là bài “Con Quạ” đã được Alan Parsons Project nhào đắp thành một ca khúc kinh điển . Đây là bài thơ kể về một những sự tưởng tưởng kì quái của một người đàn ông luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh con quạ trong đêm nhìn ông và nhắc đi nhắc lại từ "Nevermore". Có thể nói “The Raven” (con quạ) là điểm nhấn của album ,sự chuyển tiếp nhịp nhàng từ bản nhạc hoà tấu khởi đầu album “A dream within a dream”.

Về truyện ngắn thì ông còn nổi tiếng hơn, Các truyện đã được dịch sang tiếng Việt thì nổi bật nhất là hai truyện “Con Mèo Đen” và “Sự suy tàn của ngôi nhà Acsơ” . Dựa trên sự liên tưởng huyền bí từ “Sự suy tàn của ngôi nhà Acsơ” mà Alan Parsons Project đã khéo léo xử lý nó thành một bản nhạc dài trên 20 phút và chia làm 5 phần ,gần như thể loại “Thơ giao hưởng” và đây cũng là một đặc trưng của Progressive Rock.

Album được kết thúc bởi “To one for the paradise”( cũng dựa trên bài thơ cùng tên của Edgar Allan Poe) được hát bởi Terry Sylvester với background là của dàn đồng ca của trường Westminster CityJane Powell.

PROG CAFE RADIO SHOW SERIES
TUẦN 3 : Prog Rock and Literary Imaginations Part II


No.3 PROGRESSIVE ROCK VÀ LIÊN TƯỞNG VĂN HỌC (PART II)


Audio:PROG CAFE NO 3 (Right Click and Save As...)


Ở album phát hành năm 1991 của Rush là Roll The Bones tư tưởng xuyên suốt album là dựa trên tác phẩm Gonna Roll The Bones> của nhà văn Fritz Leiber trong đó thì ca khúc Roll the bones trong album là bị ảnh hưởng nhiều nhất .Truyện ngắn Gonna Roll The Bones là một câu chuyện rùng rợn ly kì của Joe Slattermill .Vào một đêm anh chán nản căn nhà đổ nát của mình và quyết định bỏ lại vợ và mẹ lại để đi tới một nơi khác là The Boneyard để lao đầu vào những vụ cá cược bài và vận may của con xúc xắc .Và câu chuyện li kì bắt đầu từ đó ,của những điều lạ kì và không bình thường .Tác phẩm được trao giải thưởng văn học lớn là giải Hugo và giải Nebula.


Còn khá nhiều bản nhạc của Rush mang hơi hướng văn học của Ernest Hemingway và Oscar Wilde …các tiểu thuyết truyện ngắn của hai nhà văn thường bế tắc và đi đến chỗ không lối thoát và cả hai đều có một cái chết thương tâm. Hemingway thì chán với cuộc sống tuyệt vọng nên đã tìm tới cái chết bằng cách tự tử giống cha mình còn Oscar Wilde chết trong một khách sạn rẻ tiền ở Paris vào năm 1900 không một xu dính túi .Nhưng thực sự cả hai đều có một tài năng đặc biệt và tác phẩm của họ trở nên bất hủ .Neil Peart bị ám ảnh bởi các truyện ngắn và tiểu thuyết của cả hai .Trong bài “Between the wheels” của Rush ta có thể thấy đề cập tới “thế hệ mất mát” (The lost generation) mà Hemingway đã từng nhắc đến nhiều lần trong tác phẩm “Mặt trời vẫn mọc” (The Sun Also Rises) của mình về thế hệ thời đó .Tác phẩm này còn là nguồn cảm hứng cho ca khúc “Losing It” với câu “where the sun will rise no more” .


Tiểu thuyết “Giã Từ Vũ Khí” (A Farewell To Arms) của Ernest Hemingway gợi ý tưởng cho Neil Peart viết lên ca khúc “A Farewell to Kings” nổi tiếng. Giã Từ Vũ Khí là một trong những tiểu thuyết để đời nhất của Hemingway. Đó là một câu chuyện tình yêu của một người lính nhưng rồi cuộc tình đó kết thúc trong đau đớn khi mà Catherine của anh qua đời khi còn cô đang còn mang trong mình đứa con của anh. Đó còn là một tác phẩm khảo sát về hiện thực chiến tranh ,người ta không những phải học cách sống cho đẹp mà còn học cách chết .Số phận con người trong chiến tranh như là một hình ảnh bi thương ,bị kết án bởi định mệnh hay thay đổi .Câu chuyện chứa đụng bên trong cường độ và bi kịch ,diễn ra với hậu cảnh là chiến tranh, với nhịp độ thay đổi theo vui-buồn ,theo cảnh sống và cảnh chết .Cùng với “Chuông Nguyện Hồn Ai”(For whom the bell tolls) ,hình ảnh cái chết được đưa lên để bàn luận, trong chiến tranh ,cái chết thật mỏng manh .Hình ảnh Chuông Nguyện Hồn Ai cũng xuất hiện trong ca khúc “Losing It” của Rush , đọc lời ca của Losing it ta sẽ thấy có đoạn “For you , the blind who once could see, the bell tolls for three” . Ta thấy xuyên suốt ca khúc “Losing It” trong album “Signals” là màu sắc Hemingway.


Nhà văn Ernest Hemingway thời trẻ khi còn trong quân ngũ....

Đối với truyện ngắn và các tác phẩm kịch của Oscar Wildecũng gây ấn tượng mạnh mẽ với Neil Peart. Neil đã đưa vở kịch Người hâm mộ của quý bàWinderrmere (Lady Winderrmere’s Fan) vào hai ca khúc của Rush là “Resist” và “The Pass” ca. Trong ca khúc Resist ta có thể thấy được lời thoại của có ở vở kịch này là câu nói nổi tiếng “I can resist everything exept temptation”(tôi có thể cưỡng lại mọi thứ trừ sự cám dỗ) và tiêu đề Resist cũng lấy cảm hứng từ câu này .Còn một câu khác trong vở kịch cũng được đề cập tới trong bài “The Pass” là “We are all in the gutter, but some of us are looking at the stars” (Chúng ta đều ở tầng lớp cặn bã của xã hội ,nhưng chỉ một số trong chúng ta đang nhìn tới những vì sao sáng) .Câu nói nổi tiếng này trong vở kịch trước đó đã được ban nhạc The Pretenders nhắc tới trong bài hát “Message Of Love” .Sau khi album mới đây của Rush là Vapor Trails ra đời thì Neil Peart có tâm sự rằng chính truyện ngắn của Oscar Wilde đã tạo cảm hứng cho ông viết câu [i]“If culture is the curse of the thinking class” trong bài “Ceiling Unlimited” .


Oscar Wilde mất khi còn khá trẻ........

Nếu bạn đã từng ghé thăm box Tác Phẩm Văn Học của TTVN ở mục Tác phẩm nước ngoài trên trang nhất bạn có thể tìm thấy một truyện có cái tên rất thơ mộng là Con Chim Trốn Tuyết của tác giả Paul Gallico. Ông là một nhà báo Mỹ và trở nên rất nổi tiếng trên văn đàn với truyện ngắn Con Chim Trốn Tuyết .


Truyện ngắn kể về mối tình của cô bé Fritha với Rhayader, một họa sĩ tật nguyền phải tìm nơi ẩn dật ở một hải đăng hoang phế ven biển. Mối tình được nảy nở từ một chú ngỗng trời bị thương mà 2 người cùng chăm sóc.

Trong sáng, và thơ mộng, Paul Gallico đã nhẹ nhàng đi vào thế giới bên trong đầy nhân ái khao khát yêu đương của nhân vật Rhayader. Cái chết cao đẹp của Rhayader bên dưới vòng cánh lượn đầy tình nghĩa của "con chim trốn tuyết", sự tuẫn tiết của chính nó, sự bùng nổ tình yêu trong lòng Frith, cô gái ngây thơ và trong trắng... tất cả đã biến câu chuyện như thành một bài thơ viết bằng văn xuôi ca ngợi vẻ đẹp cả trong tâm hồn lẫn ý thức trách nhiệm của con người


CAMEL.........

Lấy cảm hứng từ tác phẩm cảm động này, ban nhạc Camel đã dựng lên một album concept đầy cảm xúc và giàu màu sắc. Nói thêm về album concept ấn tượng này. Sau sự thành công của album Mirage trước đó, Camel muốn tiếp tục bằng một concept album dựa trên một cốt truyện, từ sự gợi ý của tay bass Doug Ferguson, Camel đã bị chinh phục bởi câu chuyện có kết thúc buồn nhưng giàu tính nhân văn này và đã lấy Con Chim Trốn Tuyết làm sự lựa chọn của mình. Với tiếng flute ngọt ngào của tay guitar và ca sĩ Andy Latimer, giai điệu keyboard réo rắt của Peter Bardens như vẽ lên một bức tranh Con chim trốn tuyết đẹp đẽ trên nền tiếng bass của Doug Feguson và tiếng trống của Andy Ward. Bị hạn chế bởi vocal nhưng những thành viên của Camel đã lấp đầy khoảng trống bằng những màn solo ngoạn mục. Và lời khuyên của tôi với album này là hãy đọc truyện ngắn Con chim Trốn Tuyết của Paul Gallico trước và bạn có thể nhắm mắt và thưởng thức một cách trọn vẹn album này.

Link Listen Online: http://nguyengallery.com/tienqueen/

(To be Continued with ALAN PARSONS PROJECT and RICK WAKEMAN( YES )....)

PROG CAFE RADIO SHOW SERIES
TUẦN 2 : Prog Rock and Literary Imaginations Part I
No2.PROGRESSIVE ROCK VÀ LIÊN TƯỞNG VĂN HỌC (PART I)

Audio: PROG CAFE NO 2 (Right Click and Save As...)



Văn học là một chất liệu văn hoá trường tồn với thời gian mặc dù chịu sự ảnh hưởng nhiều vào các yếu tố xã hội chính trị luôn thay đổi liên tục. Văn học qua đó là di sản văn hóa quý giá của loài người. Văn học được giữ lại bằng những nét viết trên chất liệu đá của người Ai cập, viết lên tre ,da dê của người Trung Quốc cổ đại ,và khi khi phát minh ra giấy thì văn học thường được giữ lại với những cuốn sách .Với sự phát triển của công nghệ giúp cho văn học được lên màn ảnh với những bộ phim nổi tiếng dựa trên tác phẩm văn học ,quen thuộc với người yêu nhạc Rock thì có thể nhắc tới các bộ phim “Bay trên tổ chim cúc cu” của tác giả Ken Kesey hay “Chuông nguyện hồn ai” của Ernest Hemingway (2 tác phẩm này sau này đã khơi nguồn cảm hứng cho Metallica chuyển thể thành chất nhạc Heavy Metal với 2 ca khúc Welcome Home(Sanitarium) và For whom the bell tolls) hay như tác phẩm bất hủ “Đồi gió hú” của Emily Bronte với khá nhiều lần được dựng thành phim (sau này đã giúp Kate Bush tạo nên ca khúc kinh điển Wuthering Heights).


Trên lĩnh vực âm nhạc, những người đi tiên phong là từ nhạc cổ điển mang đầy tính bác học .Nhiều nhà soạn nhạc cũng ảnh hưởng bởi các chất liệu văn học và thêu dệt lên những bức tranh âm nhạc chứa đầy màu sắc thơ văn .Như Gustav Mahler đã được bài thơ “Tiếng Flute trung hoa” của Hans Bethge để sáng tác lên bản nhạc quyến rũ “Das Lied von der Erde” v.v.. Và cũng chính vì có sự liên hệ giữa nhạc cổ điển này nên mới hình thành nên thể loại Thơ Giao hưởng(Symphonic Poem). Đây là thể loại nhạc giao hưởng mà chỉ có 1 chương, viết dựa theo thơ, truyện cổ tích, truyện …xuất hiện từ thời của âm nhạc trường phái lãng mạn (1820 – 1900).

Từ cuối những năm 60 khi mà Progressive Rock bắt đầu phôi thai, với sự sáng tạo và khai phá không ngừng nghỉ của King Crimson, Pink Floyd, Yes, Moody Blues, dần dần đã hình thành lên nét đặc trưng riêng của Progressive Rock. Đó là sự ảnh hưởng rõ rệt từ classical music và jazz fusion và kết hợp với các yếu tố văn chương, ảo giác phiêu diêu. Mỗi bản nhạc của Progressive Rock chứa đựng những yếu tố bên trong, ẩn hiện qua mỗi nốt nhạc trong một chuỗi các đoạn nhạc phong phú mà hầu hết là phức tạp về kỹ thuật chơi của Progressive rock. Yếu tố văn học được chuyển tải một cách tinh tế và chứa nhiều tư tưởng .


Ngay từ thuở sơ khai của Progressive Rock, nguồn cảm hứng bất tận từ văn học đã được ban nhạc như Pink Floyd, King Crimson chuyển tải thành các bản nhạc đầy mơ ảo và đậm chất thơ. Album đầu tiên dưới cái tên Pink Floyd đã chứng tỏ sự lan toả của văn học tới Progressive Rock khi mà tên album The Piper At The Gates Of Dawn chính là tên chương VII của cuốn tiểu thuyết “Ngọn gió trong những rặng liễu” (The Wind in the Willows) của nhà văn người Scotland là Kenneth Grahame . Đây là cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi mà ông viết tặng con mình .

Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc sống của các động vật ven khu bờ sông như ngài Cóc, bác Lửng, cậu Chuột trũi. Syd Barrett với ánh mắt lạnh lùng vô cảm làm cho Pink Floyd có chất phiêu diêu Psychedelic tràn ngập.


Pink Floyd

Từ cái tên Pink Floyd đến tên album đầu tay cũng là ý tưởng của Syd Barrett, ở album này Syd như là một người nhạc trưởng chủ đạo .Chắc hẳn những ca khúc kinh điển Astronomy Domine, Lucifer Sam, Matilda Mother, Bike và See Emily Play (ở version phát hành tại Mỹ và Nhật) sẽ còn ám ảnh người nghe mãi.

Những bậc lão làng King Crimson với sự pha trộn Jazz vào Progressive Rock đã làm cho Progressive Rock có một vẻ khác biệt. Album In the court of the Crimson với việc thử nghiệm chơi nhiều nhạc cụ như metrollon, kèn hơi, reed và sử dụng các kĩ thuật phức tạp đã từ lâu được người lâu đánh giá là dấu mốc thực sự cho Progressive Rock.


King Crimson

Ở Album Beat, điểm nhấn của album là ca khúc Neal and Jack and me .Ca khúc này được tạo cảm hứng từ những tác phẩm của hai nhà thơ Neal Cassady và nhà văn Jack Kerouac. Đây là hai nhà văn của thế kỉ 20 và là hai người bạn thân của nhau .Cùng với Allen Ginsberg và Williams S.Burroughs, họ là những trụ cột cho trường phái văn học có tên “Beat Generation”. Tác phẩm “On the Road” của Jack Kerouac có sự đóng góp rất lớn của Neal Cassady. Những dòng thơ của Neal có ảnh hưởng nhiều tới các nghệ sĩ nhạc rock. Bài The Other One của Grateful Dead đã từng nhắc tới Neal với hình ảnh Cowboy Neal :

The bus came by and I got on, that''''''''s when it all began
There was Cowboy Neal at the wheel of the bus to Nevereverland".

Đại diện tiêu biểu nhất của Symphonic Progressive Rock có lẽ là Genesis .Những thành viên của Genesis về sau này hầu như ai cũng nổi tiếng ở sự nghiệp solo, chắc hẳn ai cũng một lần nghe Phil Colins hay Peter Gabriel hay nếu nghe nhiều Progressive Rock sẽ quen thuộc với cái tên Steve Hackett, Tony Banks, Mike Rutherford .


Genesis


Nhạc của Genesis bắt nguồn từ chất nhạc pop (điển hình là album đầu tay “From Genesis to Revelation”) song có cấu trúc khá phức tạp, giàu giai điệu ...lúc nhanh, mạnh mẽ rồi có khi uyển chuyển sang ngọt ngào du dương. Cũng một phần bởi giàu giai điệu và hay biến tấu nên khá hợp với việc đưa các tác phẩm văn học vào Progressive Rock .Album nổi tiếng The Lamb Lies Down On Broadway phát hành năm 1974 lấy cảm hứng từ cuốn sách The Trial của Frank Kafka .Chủ đề xuyên suốt album được dựa trên câu chuyện của The Trial về một nhân viên nhà băng tận tâm là Joseph K. Một buổi sáng ông bị cảnh sát bắt đi và thả tù ông vì một lý do không rành mạch .Cố gắng của Joseph để tìm hiểu lý do bị bắt và chứng minh sự trong sạch của ông đã dẫn ông vào một thế giới của sự quan liêu và những cơn ác mộng Kafka .Cuốn sách hơi kì lạ này đã tạo cảm hứng mạnh mẽ cho Genesis để tạo nên một album bất hủ . Cuốn sách này cũng được các nhà làm phim Holywood dựng thành phim vào năm 1963.


Chân dung nhà văn Frank Kafka


Ở Việt Nam có bài Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã của ban nhạc Ngọn Lửa Nhỏ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của Jack London thì trước đó rất lâu ca khúc White Mountain của Genesis cũng được dựa trên một tiểu thuyết của Jack London là “Nanh Trắng” .Những tác phẩm của Jack London thưởng nổi bật lên vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên và những mảnh đời,sự đấu tranh của con người ,loài vật với thiên nhiên.


Chân dung nhà văn Jack London

Mỗi khi đọc những tác phẩm của Jack London làm người đọc như đi lạc vào một thế giới của những ngọn núi nhấp nhô ,của những rặng thông ,bạch dương lá nhọn ,tuyết phủ trắng xoá mà trên đó những con sói ,chó cũng có số phận như con người . Đọc lyric bài White Mountain cũng thấy được phần nào câu chuyện của “Nanh Trắng”:


Thin hung the web like a trap in a cage
The fox lay asleep in his lair
Fangs frantic paws told the tale of his sin
Far off the chase shrieked revenge

Mạng nhện mỏng treo lơ lửng như bẫy ở trong lồng

Con sói lay mình thiếp đi trong hang sâu

Nanh trắng điên cuồng lấy chân cào đất kể về truyền thuyết của tội ác của nó

Đằng xa là tiếng la inh tai của cuộc ruợt đưổi cho mối thù hằn

Rồi

Fang, Son of Great Fang, the Traitor we seek
The laws of the Brethren say this:
That only the King sees the Crown of the Gods
And he, the Ursurper must die –

Nanh trắng, con của Nanh lớn, Kẻ phàn bội chúng ta tìm

Luật của Brethen nói rằng:

Chỉ có chúa tể mới nhìn thấy vương miện của chúa

Và hắn, phải chết

Nói đến ban nhạc Progressive Rock có lời ca giàu trí tưởng tượng nhất và là một trong những ban nhạc có tầm ảnh hưởng sâu sắc tới Progressive Rock nhất thì đó phải là Rus


Ban nhạc 3 mẩu Rush, khẩu đại bác Prog của Canada...

Chính chất Progressive của Rush sau này đã tạo nguồn động lực mạnh mẽ cho Queensryche và Fates Warning đi tiên phong cho thể loại trộn lẫn Progressive Rock với Heavy Metal là Progressive Metal ,từ đó Prog Metal là một nhánh rất phát triển của Progressive Rock mà đại diện tiêu biểu nhất có lẽ là Dream Theater . Lời ca của Rush rất phong phú và đậm trí tưởng tưởng bởi người viết lyrics của Rush là tay trống lừng danh Neil Peart là một người có sở thích đi đây đi đó và mỗi lần có một sự ấn tượng về một nơi hay một tác phẩm nào đó là Neil lại đưa nó lên lời ca


Neil Peart ....

Neil Peart đã từng đi thăm ngọn Vạn Lý Trường Thành, và khi ngồi nghỉ trên ngọn Tai shan ông đã lặng lẽ ngồi viết ca khúc “Tai Shan” trong đó có nhắc tới 7000 bậc thang để lên được đỉnh ngọn Tai Shan, với tay một cái là chạm tới trời như là một phép ví von so sánh hợp lý . Neil Peart cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi Văn học .Có lẽ để liệt kê các ví dụ ra giấy thì cũng phải phủ kín mấy mặt A4. Đơn cử như bản nhạc nổi tiếng Tom Sawyer được lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết “ Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” của nhà văn Mỹ Mark Twain trong đó Neil Peart nói về một Tom Sawyer của thời đại ngày nay . Trong tiểu thuyết, Mark Twain kể về cậu bé Tom hiếu động với những nét lém lỉnh và tinh ranh của một đứa trẻ thông minh .Và cũng bởi cậu hiếu động thích nghịch ngợm nên nhiều khi bị bà dì và người khác mắng là “Thằng ranh con, đồ vô lại, đồ quỷ quái” .Một Tom Sawyer của ngày hôm nay là sự kiêu hãnh và vẻ ấn tượng theo như ý tưởng của Neil Peart.

PROG CAFE RADIO SHOW SERIES
TUẦN 1 :GENTLE GIANT




Nếu ai đã nghe qua bản mix Con tàu Catherine Và Cuộc Thám Hiểm Bắc Cực của em làm thì giai điệu mở đầu chính là một đoạn ca khúc Playing The Game trong album đỉnh cao The Power and The Glory(Quyền lực và Vinh quang) của Gentle Giant.

Thành lập vào buổi bình minh sơ khai của Progressive Rock là năm 1969, cũng là năm mà King Crimson cho ra siêu phẩm phi thường In The Court Of Crimson King. Đến giữa thập niên 70 thì Gentle Giant đã nắm trong tay những album tầm cao và trở thành một tên tuổi lớn trong Progressive Rock đúng như ý nghĩa của tên ban nhạc (Ông lớn dịu dàng). Gentle Giant đóng góp cho Prog Rock với việc pha trộn nhạc Hard Rock với nhạc cổ điển và giọng ca thời trung cổ vào Prog Rock. Hay chính xác hơn là lời đánh giá của một nhà phê bình âm nhạc là "Một sự pha trộn kỳ lạ và trái ngược của nhạc cổ điển, giọng ca trung cổ với nhạc Rock và nhạc Jazz"

GENTLE GIANT....



Gentle Giant được sinh ra từ đống tro tàn của ban nhạc Simon Dupree&The Big Sound. Simon Dupree&The Big Sound là một ban nhạc theo hơi hướng R&B với nòng cốt là anh em nhà Shulman là Derek, Ray và Phil Shulman. Vào năm 1967, bị cuốn vào sự quyến rũ như ma túy của thể loại Psychedelic, họ lại chuyển sang Psychedelic và đã có được một hit trên các bảng xếp hạng là ca khúc "Kites"(Những cánh diều). Sau khi lập nên Gentle Giant, họ quyết định từ bỏ các hướng đi của ngày xưa là R&B và Psychedelic. Với mục tiêu đó, Derek chuyển sang hát và chơi guitar rồi cả bass, Ray ngoài cây violin đặc trưng thì cũng ẵm thêm cây bass và cũng có thể hát tốt. Phil Shulman thì điều khiển cây saxophone đồng thời họ có được Kerry Minnear trên cây keyboard và Gary Green chơi guitar. Đội ngũ này ban đầu mời về Martin Smith chơi trống, nhưng sau đó họ cũng cộng tác với vài nghệ sĩ trống và bộ gõ khác trong 3 năm đầu tồn tại.

VÀI BỨC KHẮC HỌA CHÂN DUNG THÀNH VIÊN CỦA GENTLE GIANT CỦA HỌA SĨ BEN VIXMAN

KERRY MINNEAR...tay keyboard có thể chơi nhiều nhạc cụ.


GARY GREEN


PHIL SHULMAN với tư chất của một thầy giáo


RAY SHULMAN với kiểu đặc trưng là đeo bass kéo violon...



Vào năm 1970, Gentle Giant có được bản hợp đồng với hãng Vertigo và cho ra đời album đầu tay cùng tên ban nhạc. Một album làm shock giới âm nhạc với việc pha trộn nhịp nhàng hard rock với những yếu tố cổ điển. Và cũng từ bìa album này, ban nhạc có biểu trưng là hình một ông lớn hói đầu râu ria xồm xoàm nhưng nhìn rất dễ thương, đó trở thành biểu trưng của ban nhạc mỗi khi nhắc đến Gentle Giant. Nỗ lực thứ hai của họ là vào năm 1971 với album Acquiring The Taste, một hương vị dễ nếm và dễ ngấm hơn album đầu.

BÌA ALBUM GENTLE GIANT VỚI BIỂU TRƯNG ÔNG LÃO HIỀN TỪ CỦA BAN NHẠC.


BÌA ĐĨA ALBUM ACQUIRING THE TASTE.....


Album thứ 3 của họ là Three Friends(Ba Người Bạn) với tay trống mới là Malcolm Mortimore...Album này là album đầu tiên của họ được phát hành tại Mỹ bởi hãng Columbia.

BÌA ĐĨA ALBUM THREE FRIENDS VẪN VỚI HÌNH BIỂU TRƯNG CỦA BAN NHẠC


Cột mốc là ở album thứ tư của họ phát hành vào năm 1973, album mang tên "Octopus"(Bạch Tuộc)....đây là một bước nhảy lớn của họ vì âm thanh của album này có được sự phối hợp nhuần nhuyễn của hard rock và âm thanh giao hưởng mà công chúng có thể dễ dàng cảm nhận. Cũng từ album này Gentle Giant gắn bó với tay trống John Weathers (cái tên làm cho chúng ta gợi nhớ đến ban nhạc Jazz Fusion nổi tiếng là Weather Report - Dự báo thời tiết) đến từ ban nhạc Graham Bond Organisation.

BÌA ĐĨA ALBUM BẠCH TUỘC...



Tuy nhiên tới năm 1974 ban nhạc phải chứng kiến sự ra đi của Phil Shulman sau chuyến lưu diễn cho album Bạch Tuộc. Nhưng trái với các lý do thường thấy là tìm kiếm sự nghiệp solo,một con hổ thì không muốn bị nhốt chung chuồng với những chú hổ khác... Phil Shulman rời bỏ hẳn sự nghiệp âm nhạc để trở thành một ông giáo, một nghề nghiệp ổn định và có thể chăm sóc gia đình kỹ càng hơn là cái nghề bấp bênh nay đây mai đó lưu diễn của nghiệp Rock, từ đó Gentle Giant mất đi tiếng kèn Saxo ngọt ngào của Phil.

GENTLE GIANT THỜI CÒN PHIL SHULMAN....


Sau đó ban nhạc lại tiếp tục cho ra đời album Glass House(Nhà Kính) , một album đậm chất Hard Rock nhất đến nỗi hãng Columbia phải từ chối việc đứng ra phát hành vì họ sợ việc chuyển hướng nhỏ nhẹ này không đem lại thành quả thương mại. Họ tìm đến với hãng Capitol và một năm sau đó là năm 1974 Capitol vinh dự được phát hành một trong những album kinh điển của Prog Rock là album Quyền Lực và Vinh Quang(The Power and The Glory) của Gentle Giant. Nếu ai định tìm hiểu về Gentle Giant thì nên bắt đầu từ album này, em thường gọi album này với cái tên thân thương hơn là "Con G Bích" vì bìa album khá ấn tượng, trông giống như một quân bài.

BÌA ĐĨA ALBUM QUYỀN LỰC VÀ VINH QUANG...HAY CÒN GỌI LÀ ALBUM CON G BÍCH...



Năm 1975 họ phát hành album Free Hand, về âm nhạc thì album này có lẽ là xếp sau "Con G Bích" nhưng đây lại là album thành công nhất vê khoản thương mại, có lẽ là nhờ dư âm của album "Con G Bích" , sau album này họ liên tiếp được mời đến các cuộc phỏng vấn trong đó họ là nhân vật chính.

BÌA ĐĨA ALBUM FREE HAND THÀNH CÔNG NHẤT VỀ MẶT THƯƠNG MẠI


Tới năm 1978 họ phát hành album đôi Playing The Fool (Có lẽ cái tên được có cảm hứng từ ca khúc nổi tiếng Playing The Game trong album "Con G Bích"). Sau đó họ xếp luôn một lịch biểu diễn cho album này, album diễn Live của album này cũng là một trong những album được nhiều người biết tới nhất của Gentle Giant. Do ra đời vào cuối thập niên 70 đang bị sự xấm lấn của phong trào Disco và Punk/new wave nên họ cũng đã khôn khéo đưa một chút disco vào trong album Playing The Fool. Tuy nhiên như thế là chưa đủ cho sự xâm lăng mạnh mẽ của nhạc Disco. Công chúng chạy theo những Nữ hoàng Donna Summer hay Âm nhạc bốc lửa của Earth Fire and Wind(Đất, lửa và nước) hay Bee Gees khi chuyển hẳn sang Disco. Do đó công chúng dần dần lãng quên cái tên Gentle Giant. Vào năm 1980, năm định mệnh của Classic Rock thì Gentle Giant cũng tuyên bố tan rã, dấu hiệu đã hình thành trước đó khi tay keyboard gắn bó từ thời điểm ban đầu là Kerry Minnear rời ban nhạc.

GENTLE GIANT TRÊN SÂN KHẤU PORTSMOUT VÀO NĂM 1975........


Ba anh em nhà Shulman thì từ năm 1974 Phil đã chuyển hẳn sang làm giáo viên, 6 năm sau khi Gentle Giant tan rã thì Ray Shulman vẫn níu kéo sự nghiệp âm nhạc bằng việc trở thành nhà sản xuất và ở Anh Ray rất nổi tiếng với việc cầm cân nảy mực cho ban nhạc The Sundays hay The Sugarcubes(Những cục đường) . Còn Derek Shulman thì trở thành một nhà thương gia lớn, đứng đầu một công ty thu âm ở New York.

MỘT VÀI BẢN NHẠC CỦA GENTLE GIANT......

1. GENTLE GIANT - PLAYING THE GAME (ALBUM CON G BÍCH)

2. GENTLE GIANT -KNOTS(ALBUM BẠCH TUỘC)(hát theo phong cách Acapella rất hay, khả năng hát bè trên cả tuyệt vời, pha trộn bởi những âm thanh jazzy và các yếu tố cổ điển)

3.GENTLE GIANT -PROLOQUE (ALBUM BA NGƯỜI BẠN)

PROG CAFE NO.1 - GENTLE GIANT
Audio: PROG CAFE NO.1