Bài phỏng vấn Khánh Ly
Khánh Ly :Tôi chỉ là cái bóng theo anh Sơn đến cuối đời
Bùi Văn Phú thực hiện
Vào một buổi chiều cuối tháng Bảy năm 2004, tôi được chị Khánh Ly đón tiếp tại nhà riêng của chị - và của phu quân là anh Nguyễn Hoàng Ðoan - ở thành phố Cerritos, nằm khoảng giữa đường từ Los Angeles xuống Quận Cam, thủ đô của người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ. Ngôi nhà của chị Khánh Ly không mới và cũng không to. Nhưng gần một phần tư thế kỷ qua nơi đó đã là tụ điểm gặp gỡ của nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại. Sân trước có cây hoa ngọc lan cao, nhiều loại hoa lá khác và một giếng nước với bờ gạch đỏ và tay quay, làm cảnh. Bên trong, giữa phòng khách có treo một bức tranh sơn mài lớn. Hai bức nhỏ hơn của họa sĩ Ðằng Giao ở hai góc khác. Chiếc máy đánh chữ màu bạc, hiệu Brother, có lẽ cũng đã 20 tuổi, nằm trên sàn nhà mà chị Khánh Ly nói là dùng để viết bài, rồi bỏ dấu bằng tay. Con chó Lingling, 2 tuổi, thấy khách thì sủa tíu tít và cứ đòi hôn khách. Nơi phòng ăn có tranh của Ðinh Cường, có hình Trịnh Công Sơn ôm đàn ghi-ta hát trong một buổi ca diễn ở Hà Nội, có chân dung nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, cùng nhiều tượng Ðức Mẹ lớn bé, trong đó có Ðức Mẹ La Vang. Vườn sau nhà chị có những cây soài, cây khế, có cây ớt thật cao, với tay không đến được ngọn. Trong vườn cũng có một cây hoa ngọc lan to, cao; có núi đá với tượng Ðức Mẹ và hồ nước róc rách. Buổi nói chuyện với chị dài một tiếng rưỡi đồng hồ. Chị Khánh Ly, châm thuốc lá liền tay với một hộp quẹt zip-pô, nhưng hút thì ít. Giọng chị vẫn Bắc kỳ '54, có lúc phảng phất buồn trong lời nói, qua ánh mắt. Có khi chị tự nhiên cất giọng với những lời ca, vẫn đặc thù là của Khánh Ly, nhưng ít "liêu trai" hay "nhừa nhựa" hơn là Khánh Ly của thế hệ trước. *
Bùi Văn Phú (BVP): Cuối tháng Tám có chương trình nhạc "Rừng xưa đã khép" ở Nam California, chương trình này do chị tổ chức?
Khánh Ly (KL): Nhà tôi làm biếng lắm. Làm để lấy tiền thì anh ấy không làm. Anh ấy nói Chúa cho mình hằng ngày dùng đủ, thì giờ mình có đủ rồi. Giờ có tiền để làm gì? Tuổi đã tròm trèm 60. Nếu có chết cũng đâu mang theo được gì. Việc tổ chức này là do một số các em sinh viên Việt Nam ở đây làm để gây quỹ từ thiện.
Chủ đề này là do chị chọn?
Vâng. Cách đây hai năm tôi lấy chủ đề "Rơi lệ ru người" và bây giờ là "Rừng xưa đã khép." Hoàng Trọng Thụy hỏi sao chọn chủ đề buồn thế. Tôi nói đó mới là cuộc đời. Vì nếu cuộc đời lúc nào cũng vui cả, ai ai cũng cười thì như vậy đâu có gọi là cuộc đời.
"Xưa" là những điều đã qua rồi, thuộc về quá khứ, chị muốn những điều đó thực sự "khép" lại sao?
Anh hỏi, nhưng anh hiểu nhạc Trịnh Công Sơn còn nhiều hơn tôi nữa. Thì anh nghĩ sao cũng được.
Hay đây là một sô sau cùng, rồi chị không hát nhạc Trịnh Công Sơn nữa?
Không đâu anh. Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết tới ai cả, mà chỉ cảm thấy mình thực là hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi mình hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn. Tôi rất mê hát. Nói đến giải nghệ thì tôi không dám nghĩ đến, có một cái gì buồn bã lắm. Vả lại tôi nghĩ cuộc đời buồn nhiều hơn vui thì mình không nên làm nó buồn hơn nữa. Lúc nào còn hát được thì mình cứ hát.
Trong phần quảng cáo cho chương trình có những câu thơ, hay văn, không biết do ai viết nhưng chị đã dùng nó ít nhất hơn một lần: "Sông vẫn chảy đời sông, suối vẫn trôi đời suối, và đời người hãy thả trôi đi những niềm đau." Nhìn lại cuộc đời, có giây phút nào đã làm chị đau khổ nhất?
Anh Sơn viết câu đó. Ðối với Khánh Ly thì những điều anh Sơn nói, nói thì có vẻ quá đáng, nó là những khuôn vàng thước ngọc. Vì anh Sơn không hề nói những điều gì không phải về một người khác, về một người thứ ba. Anh Sơn không phê bình ai, không chê trách ai. Lúc nào anh Sơn cũng nói hãy làm những điều tử tế, rồi hát cũng phải tử tế, phải trân trọng những điều mình làm. Sống trong đời sống này điều quan trọng nhất là phải tử tế với nhau.
Nghĩ về đời mình, có giây phút nào là đau khổ nhất mà chị còn ghi khắc trong lòng?
Lúc nào tôi cũng buồn cả. Tính tôi dẫu là tính tình của một người đàn ông, thẳng thắn và sống bất cần đời. Sống thì sống, chết thì chết. Có tiền thì xài, không có thì nghỉ xài. Nhưng tôi là người rất dễ vỡ, rất mong manh. Tôi rất dễ khóc. Thành ra mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ thì bao giờ tôi cũng là người sau cùng đi ngang hình của anh Sơn và ông [Trầm Tử] Thiêng, bao giờ tôi cũng hôn gió hai ông, để chào hai ông. (Giọng trở nên nhiều cảm xúc.) Nhưng tôi phải đi thật nhanh vì nếu không tôi sẽ khóc. Có nhiều đêm tôi nằm khóc một mình, không ai biết cả. Nhiều khi coi chương trình truyền hình mà ông xã tôi làm, chỉ cần nghe một câu thôi cũng làm tôi chảy nước mắt. Tôi cũng không hiểu sao con người của tôi có nhiều cái mâu thuẫn lắm.
Có thể chị là người quá nhạy cảm.
Nhưng mà nhạy cảm vừa vừa thôi thì còn dễ sống. Tôi nghĩ tôi là một người can đảm. Tôi may mắn và tôi lại can đảm nữa thì tôi mới đủ sức đương đầu với tất cả những điều xảy đến trong cuộc đời mình.
Còn niềm vui và hạnh phúc trong cuộc đời của chị?
Vui thì thực ra chính mình tạo ra niềm vui. Tôi thấy ngay cả ông xã tôi là người lúc nào cũng muốn làm cho tôi vui, làm những điều tốt đẹp cho tôi, từ băng nhạc, băng vi-đi-ô, lo lắng cho tôi đủ mọi thứ. Ðối với tôi gần như là những điều đó chưa đủ. Hay tại tôi đòi hỏi nhiều quá chăng? Hay tôi là một người sống không thực tế. Tôi sống ở ngoài cái thế giới của mình, thế giới mà mọi người đang sống. Tức là tôi đòi hỏi một cái gì hơn cả sự tuyệt đối nữa. Nó phải thơ mộng, phải đẹp như thời mình 15, 16 tuổi, rất romantic, như một bông hoa, mình ngắm nhìn nó từ khi còn là cái nụ, rồi sắp nở, khi nó bung ra thì lại không muốn nhìn thấy nó tàn. Thành ra niềm vui tôi có là do tôi tự tạo ra. Khi tôi đi hát ở xa về, ra khỏi máy bay bao giờ cũng thấy nhà tôi cầm một ly cà phê sẵn cho tôi, câu đầu tiên nhà tôi hỏi cũng là: "Có vui không em?" Bao giờ tôi cũng nói là vui, mặc dù có những điều tôi giấu. Vì tôi nghĩ là mình đã chịu đựng những cái không vui, hay những trục trặc nho nhỏ trong buổi hát, những va chạm, thì mình chịu đựng được, còn bắt chồng mình chịu đựng nữa làm cái gì. Trong khi ông ấy không thể chia sẻ được, không làm được cái gì cho mình thì thôi mình ráng chịu đi, và biến cái đó thành một niềm vui.
Chị sinh ra là người Công giáo hay chị tin vào Chúa sau này?
Thực ra tôi được rửa tội theo đạo năm 18 tuổi. Tại sao lúc đó? Lúc đó tôi lập gia đình lần đầu tiên. Thôi, chuyện tôi lấy chồng toàn là những phút bốc đồng, lầm lỡ. Toàn những chuyện mà cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ là lầm lỡ.
Năm nay chị có đi dự Ðại hội Thánh Mẫu (ở Missouri) không?
Ðại hội Thánh Mẫu năm nay dời lại một tuần nên ngày đó tôi lại đi [Calvary] để gây quỹ cho cha Dụng.
Chị có một niềm tin và lòng sùng kính Ðức Mẹ rất cao, có biến cố nào trong đời đã khiến chị có niềm tin như thế?
Nếu tôi có một niềm tin thì đó là đức tin của tôi đối với tôn giáo mà tôi theo đuổi. Không phải là từ sau khi được rửa tội. Hồi nhỏ tôi học trường dòng và lúc đó tôi muốn trở thành bà sơ. Tại vì tôi thấy hình ảnh của các sơ đẹp quá.
Chị học trường dòng ở Ðà Lạt?
Không. Ở Hà Nội. Tôi học nội trú trường Saint Mary. Năm 6, 7 tuổi tôi đã lên sân khấu lần đầu tiên. Tôi đóng vai một con thỏ trong vở tuồng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Năm 9 tuổi, trước khi di cư, người Pháp có tổ chức hội chợ, lúc đó tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi cũng leo lên sân khấu hát đại. Tôi hát bài "Thơ ngây" của nhạc sĩ Anh Việt. Mẹ tôi cũng đã từng được bầu làm hoa khôi hội chợ ở Hà Nội trong những năm 1941, 1942 khi tôi chưa ra đời.
Chị phải là đứa bé bạo dạn lắm.
Có lẽ tại tính tôi giống con trai. Tôi không có bạn gái. Tôi có nhiều bạn trai, thứ bạn mày tao, chứ không phải bồ.
Chị có nhớ gì về ngày chị rời bỏ miền Bắc vào Nam không?
Tôi không nhớ, cũng như năm 1975 vậy. Sao vậy? Vâng, tôi không nhớ vì mình ra đi trong tâm trạng hoang mang quá. Năm 1954 thì còn quá nhỏ. Lại được tin ông cụ mới mất. Rồi bỏ trường đi theo mẹ và được mẹ cho biết sẽ có bố dượng mới nên tôi bị dằn vặt, không nhớ thương, lưu luyến Hà Nội nhiều. Có điều tôi nhớ Hà Nội là cây muỗng, tức cây soài trong Nam, là cây độc nhất trong sân trường của tôi. Và ở ngã tư Hàng Bông và Hỏa Lò có tiệm bán bánh mì patê gan cháy. Ðó là những gì tôi nhớ về Hà Nội.
Chị có dịp về lại Hà Nội chưa?
Chưa anh. Tôi nghĩ Hà Nội giờ thay đổi nhiều lắm. Tôi muốn trở về nếu được nhìn thấy lại những điều như tôi đã nhìn thấy ngày tôi 9 tuổi thì có lẽ hạnh phúc hơn. Nhưng có lẽ điều đó chẳng bao giờ xảy ra.
Cuộc đời luôn thay đổi mà chị.
Ðúng vậy. Và ngay cả con người cũng thay đổi.
Chị cũng không nhớ gì nhiều về ngày chị rời Việt Nam vào tháng 4. 1975?
Anh có thể tưởng tượng được là tôi không nghĩ được gì trong lúc đó, bởi vì mình có quá nhiều lo âu. Bỏ đi một cách bất thần như vậy, sự thực tôi đâu nghĩ là tôi đi Mỹ. Chả ai nghĩ, cứ đâm đầu ra biển mà không biết mình đi đâu cả. Tôi có đeo một đứa con 2 tuổi trên người. Tức là nếu tôi chết thì con tôi chết, mà con tôi chết thì tôi chết theo. Hai đứa con lớn thì gửi bên nội. Tôi định ở lại. Sau cùng đến ngày 29 tháng 4 ông anh tôi đến kéo mấy chị em tôi đi. Tôi còn kẹt lại một bà chị, một cô em và bố mẹ. Tôi đi được với một ông anh, hai cậu em trai và một cô em gái. Ði bằng tàu kéo, tên Song Long thì phải. Tàu đó rộng lắm. Nếu mà tôi biết mình đi Mỹ thì tôi đã kêu tất cả bạn bè cùng đi. Lúc đó giới nghiêm. Khoảng 3 giờ chiều, hai đứa con, của chồng trước li dị đã lâu, đi rồi, tôi và bà chị còn mua dưa hấu ngồi ăn tỉnh bơ. Khi tôi ra khỏi nhà với đứa con trên vai là 5, 6 giờ chiều.
Ngày 30 tháng 4. 1975, chị có nghe Trịnh Công Sơn hát "Nối vòng tay lớn" trên đài không?
Nghe. (Giọng chị trùng xuống, mắt long lanh ướt.) Khi tôi nghe giọng anh Sơn, lúc đó thì thực sự mà nói nếu không có đứa con thì tôi đã nhảy xuống biển rồi.
Tôi không hiểu nổi. Chính chị đã hát bài đó trong một băng nhạc nổi tiếng. Mà lúc đó lại không có Khánh Ly bên cạnh Trịnh Công Sơn để cùng hát.
Ðúng anh. Có thể là tôi nghĩ tôi mất anh Sơn vĩnh viễn. Có thể là tôi nghĩ sao không có mình cùng anh Sơn cất tiếng hát. Có thể tôi nghĩ là tôi ra đi và không bao giờ còn gặp nhau nữa và bây giờ chỉ còn nghe lại tiếng hát đó thôi.
Cuộc sống của chị những năm đầu ở Mỹ ra sao?
Tôi đi làm janitor (người lau chùi dọn dẹp), đi chùi cầu tiêu, tôi làm đủ mọi thứ. Hai mươi mấy năm nay tôi vẫn hoàn toàn là người Việt Nam. Cũng lo cơm nước, lo cho chồng con đầy đủ. Chồng tôi vẫn tinh thần gia trưởng. Bắc kỳ di cư, công giáo, Hố Nai (cười).
Anh chị ở đây từ năm 1975?
Từ năm 1980 thì ở căn nhà này. Những năm trước cũng ở California. Tụi tôi sống bình an lắm. Cả hai đều không có gì giấu giếm nhau. Ông ấy đã bao nhiêu vợ, bao nhiêu bồ, tôi mấy đời chồng, bao nhiêu bồ, chúng tôi biết nhau hết. Chúng tôi là một đại gia đình, không có sự phân chia con tôi, con anh. Chúng tôi giờ là hai người bạn già sống thoải mái. Tôi chỉ nói với chồng tôi là khi nào anh cảm thấy anh không muốn ở với em nữa, hay là anh thích tự do thì anh cứ nói. Không có gì ràng buộc anh cả.
Các con của anh chị chắc đã lớn?
Các cháu lớn cả rồi. Nhưng tôi gần với các cháu lắm. Ðó là lý do lớp trẻ quý tôi. Tôi nói chuyện, tâm sự và học được ở họ nhiều điều hay: tính thành thật, thẳng thắn, cái trong sáng. Ngày xưa bố mẹ mình ít có thời giờ để nhắc nhở con cái. Nền giáo dục khắt khe, khép kín quá nên con cái cứ đi từ lầm lỡ này qua lầm lỡ khác. Nhưng mà những lầm lỡ đó không thể trách bố mẹ hết. Mình trách mình thôi. Chính vì thế bây giờ đối với con cái mình phải thay đổi. Dù biết rằng nó đi lấy vợ, lấy chồng là mình mất tiêu rồi. Nhưng phải chấp nhận điều đó.
Ba mươi năm ở Mỹ, quê hương của chị giờ là đâu?
Quê hương ở trong lòng mình. Nhiều người nói chúng ta đi mang theo quê hương. Không, mình không cầm được cái gì mang theo cả. Nó ở trong lòng mình, trong trí tưởng của mình. Dẫu mình có đi năm châu, bốn biển, có trở thành ông hoàng, bà chúa, có trúng số 2, 3 trăm triệu đô la thì mình cũng là người Việt Nam. Tôi ở đây đã 30 năm nhưng tôi thấy không hội nhập được gì vào đời sống ở đây cả. Tôi cũng muốn hội nhập như mọi người nhưng lòng tôi sao khó quá. Lúc nào tôi cũng thương, cũng nhớ Việt Nam. Nhưng mà cách nhớ của tôi khác. Tôi không nhất thiết là mỗi năm phải mang tiền về đi chơi, đi hưởng. Tôi vẫn nhớ những con đường mà tôi với anh Trịnh Công Sơn, với Nguyễn Ðình Toàn, Duy Trác, Lệ Thu, Sĩ Phú cùng đi bên nhau, nhớ quán Givral, nhớ anh Sơn tập hát cho tôi ở đâu, sân trường đại học nào, nhớ những tiền đồn biên giới xa xôi. Tôi nghĩ nếu mình sống cho tử tế, đến một lúc nào đó nhắm mắt nằm xuống, mình sống và chết một cách tử tế thì đâu cũng là quê hương.
Chị đã về lại Việt Nam rồi?
Tôi về hai lần.
Lần đầu chị về năm nào?
Năm 1997.
Chị về, chị có hát không?
Không. Tôi về với phái đoàn Nhật. Hai lần đều về với phái đoàn Nhật. Lần thứ hai tôi về để hát một bản nhạc chính cho một cuốn phim của Nhật về một ký giả người Nhật chết tại biên giới Việt-Miên.
Chị trở lại quê hương lần đầu trong tâm trạng như thế nào?
Tôi hay đi Âu Châu. Mỗi lần ra phi trường tôi thấy những hàng dài người Việt đi về Việt Nam, tôi hay mơ ước sao mình không có mặt trong hàng người đó. Ðáng lẽ mình phải có mặt chứ. Nhưng khi tôi được về thì y hệt như ngày tôi ra đi. Tôi không nghĩ được gì hết. Khi máy bay vào không phận Việt Nam, tôi có khóc. Nhưng khi máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất, lúc đó tôi hoàn toàn empty (trống rỗng) từ cái đầu cho đến con tim. Lúc tôi ra đi cũng thế, giờ trở về cũng thế. Tôi không cắt nghĩa được điều đó. Dù tôi có bà chị, các cháu ra đón.
Những ngày ở Việt Nam chị làm gì?
Cứ buổi sáng tôi ngồi với anh Sơn, đến nửa đêm thì tôi về.
Ðất nước Việt Nam như ngày nay, chị có thể về đó sống được không?
Hai lần về tôi chỉ sống với anh Sơn. Tôi chưa có nhiều tiếp xúc với bên ngoài nên tôi không biết thực sự đời sống ở đó giờ như thế nào.
Hai lần về Việt Nam, chị ở bao lâu?
Mỗi lần ba tuần. Thoáng qua tôi thấy cuộc sống xô bồ quá.
Chị có mơ ước gì cho Việt Nam?
Tôi mơ ước có một trật tự mới được lập lại và những điều tốt đẹp cho Việt Nam dưới cái nhìn của thế giới, chứ không phải là đĩ điếm, bệnh AIDS, cúm gà. Tôi muốn mọi người nhìn Việt Nam bằng con mắt thiện cảm hơn, khâm phục hơn, như khi họ nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Họ đánh giá Việt Nam đứng đắn như đã đánh giá nhạc của Trịnh Công Sơn.
Tên tuổi Khánh Ly và Trịnh Công Sơn gắn liền với nhau từ khi những băng nhạc "Hát cho quê hương Việt Nam" với những ca khúc cho hòa bình, ra đời tại miền Nam trước năm 1975. Nhưng thời đó nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn không được Bộ Thông tin cho phép phổ biến, thưa chị có đúng không?
Gần như đa số những bài đó không được phép hát. Nhưng lúc đó người ta vẫn hát khắp nơi.
Chị đã cất tiếng với những bài hát cho hòa bình, khi hòa bình rồi thì chị nghĩ gì?
Tôi rất mơ ước ngày Việt Nam thống nhất, hòa bình, cuộc chiến không còn nữa. Bởi vì tôi đã chứng kiến quá nhiều. Những người thân của tôi, tôi đã mang xác về. Những người bình thường ai cũng mơ ước một đời sống bình thường. Dẫu là nghèo, dẫu là khổ nhưng mà họ có nhau. Có chồng, có vợ. Có mẹ, có con. Có cha con. Ðó cũng là mơ ước không phải của mình anh Trịnh Công Sơn mà là mơ ước của tất cả mọi người. Rồi hòa bình đến, ngày thống nhất đến. Chuyện gì sẽ xảy ra đâu ai biết được. Tôi còn nhiều câu hỏi và tôi sẽ hỏi về những chuyện đã xảy ra sau cái ngày gọi là thống nhất, hòa bình.
Từ khi rời Việt Nam, chị có hát lại những bài hát về hòa bình?
Cũng ít. Thực sự ở bên này bà con thích nghe tình ca. Còn giới sinh viên ngày trước nghe chúng tôi giờ cũng tròm trèm tuổi chúng tôi rồi. Nhắc lại họ đau lòng, mà mình cũng đau lòng nữa. Còn tình ca hát đến ngàn đời, lúc nào cũng làm cho mình cảm thấy ở tuổi thanh xuân, đưa mình trở về kỷ niệm. Tình ca là điều không thể thiếu trong đời sống. Khi cuộc chiến đã tàn, mình có nhắc lại, hát lại cũng chỉ để nhắn nhủ với nhau những gì đã xảy ra, trong đó có cả lầm lỡ, đúng sai. Ðiều đúng mình chấp nhận, nếu có sai thì đừng phạm phải lần thứ hai.
Nhạc Trịnh Công Sơn có phải là nhạc phản chiến?
Thời anh Sơn thì nhạc sĩ nào cũng viết nhạc phản chiến hết. Mọi người lợi dụng chữ "phản chiến" hơi nhiều. Theo Phú nghĩ thì thế nào là phản chiến? Là không thích chiến tranh chứ gì? Thế thì người lính khi họ cầm súng họ có phải là người phản chiến không? Họ cũng muốn chiến tranh chấm dứt. Anh Sơn có bao giờ tâm tình với chị về việc không đi lính của anh ấy? Anh Sơn có vào trung tâm tuyển mộ nhập ngũ, rồi thấy anh ấy về. Tôi không nghĩ anh được cho về thăm nhà vì là lính mới, và là Trịnh Công Sơn nữa thì người ta muốn cum anh ấy lại chứ. Ði được ít hôm thì thấy anh ấy về. Rồi anh ấy hay vào căn cứ không quân chơi, lúc đó ông đại tá Lưu Kim Cương còn sống, ông ấy muốn anh Sơn vào lính không quân. Nhưng Trịnh Công Sơn không muốn. Anh ấy không muốn engager (can dự) vào chuyện gì. Anh ấy muốn đứng ngoài để nhìn cả về hai phiá, viết về nỗi lòng gần như của tất cả mọi người Việt Nam một cách trung thực. Bởi vì nếu đi lính, dĩ nhiên phải ở một phe, chống một phe. Nếu cầm súng mà không bắn thì sẽ bị bắn chết. Phú nghe bài "Xin cho tôi" thì thấy. Khi im tiếng súng thì xin được làm người sống còn để ghi lại mọi chuyện khổ đau do bởi chiến tranh gây ra.
Trong số những bài ca của Trịnh Công Sơn, chị ưng ý nhất bài nào?
Tôi thích những Ca khúc Da vàng. Nhất là bài "Lại gần với nhau". (Chị cất giọng hát): "Thù hận xin quên, trên quê hương này, còn gì cho em, không còn gì ..."
Trong một bài viết, Phú đã so sánh nhạc Trịnh Công Sơn với giọng hát Khánh Ly thì như Thánh Kinh và Thập Tự Giá, là những lời kinh cho hòa bình cho Việt Nam.
Anh nói thế sợ xúc phạm đến tôn giáo. Các cha không đồng ý.
Phú thích: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi..." Thật tử tế và đơn giản.
Sau này còn bài "Tình khúc Ơ Bai." Ơ Bai có nghĩa là không được đâu. Tiếng của người thiểu số.
Bài "Tiến thoái lưỡng nan" có phải là niềm trăn trở của Trịnh Công Sơn để lại?
Nhạc Trịnh Công Sơn để lại nhiều trăn trở lắm. Như bài Phú vừa nhắc, (Hát): "Ngày xưa lận đận không biết về đâu... "; còn bài "Có duyên không nợ." Nỗi trăn trở có trong rất nhiều bài hát. Ðể ý thì nỗi trăn trở của anh Sơn đã có từ lâu lắm rồi chứ không phải mới sau này.
Chị nói anh Sơn hay nhắc đến chuyện tử tế với mọi người. Thế thì trong con người anh ấy, có tính tình gì đáng ghét không?
Anh Sơn dễ tin người và dễ tha thứ. Ai nói gì anh ấy cũng tin hết.
Nhiều người đã hát nhạc Trịnh Công Sơn, giọng hát Khánh Ly có một kỹ thuật, hay bí quyết gì để mãi gắn liền với những dòng nhạc đó?
Ðó là ý Bề Trên. Nếu không có tôi thì anh Sơn cũng sẽ nổi tiếng, bằng cách nào mình không biết. Mà không có Trịnh Công Sơn thì chắc chắn là tôi cũng chỉ lình bình thôi. Vì thế tôi phải nói rằng, Trịnh Công Sơn là cái hình, tôi chỉ là cái bóng theo anh Sơn đến cuối đời thôi. Có sống thêm một kiếp nữa tôi vẫn xin làm cái bóng của Trịnh Công Sơn.
Sau khi chị rời Việt Nam, chị liên lạc được với Trịnh Công Sơn lần đầu khi nào và bằng cách nào?
Tôi gửi thư qua bên Tây (Pháp) nhờ gửi về cho anh Sơn, báo cho biết là mình còn sống. Sau 30-4 mọi người đồn là tôi chết ngoài khơi Vũng Tàu cùng với gia đình Phạm Duy, Mai Lệ Huyền, chị Thanh Thuý. Anh Sơn có làm bài "Rơi lệ ru người". Ðó là bài duy nhất chính miệng anh Sơn nói là làm bài này cho Mai (Phạm Thị Lệ Mai là tên thật của Khánh Ly). Còn bình thường anh ấy không bao giờ nói anh ấy làm bài nhạc cho ai cả.
Còn bài "Em còn nhớ hay em đã quên," cũng có suy diễn là Trịnh Công Sơn viết cho chị.
Không biết. Vì anh ấy không nói. (Hát): "Em còn nhớ hay em đã quên..." Em là những người em của anh Sơn, rồi bạn bè của anh Sơn. Trong nhạc Trịnh Công Sơn, mình nhìn đâu cũng thấy có mình hết. Làm như anh Sơn nói về cuộc đời của mình, nói giùm mình những điều mà mình không nói được. Mà thực ra có phải anh ấy viết cho mình hay không mình cũng không biết nữa. Vì anh ấy không bao giờ nói là viết bài này cho người này hay cho người kia. Phú có hỏi, anh Sơn cũng chỉ cười thôi, không bao giờ anh ấy gật đầu, hay lắc đầu.
Chị có biết chuyện sau 1975 Trịnh Công Sơn phải đi lao động, đi kinh tế mới.
Có biết.
Bằng cách nào?
Chính anh Sơn viết thư cho tôi khi anh đang trong tình trạng đó.
Anh ấy có than thở gì không?
Anh Sơn không bao giờ than thở một điều gì. Vui anh ấy cũng cười nhẹ nhàng thôi. Buồn thì anh ấy nuốt hết vào lòng. Tôi nghĩ anh là một người gánh trên vai, một đôi vai quá gầy, một hạnh phúc quá lớn và một nỗi thống khổ cũng không kém.
Có một số bài hát anh Sơn viết sau năm 1975, như bài "Em ở nông trường, em ra biên giới." Từng chống chiến tranh, sao giờ lại cổ vũ, đó có phải là Trịnh Công Sơn không?
Anh ấy làm đúng chứ. Anh Sơn viết bài đó, ôm đàn đi hát để an ủi những người đi làm thuỷ lợi, đi ra nông trường biên giới. Họ đâu phải là những người miền Bắc đâu, mà là những sinh viên học sinh miền Nam phải đi đào mìn, đào bom, làm thuỷ lợi. Anh ấy hát để an ủi người ta. Bài đó có câu: "Có những bước chân đi không về..." Với một người ốm yếu như anh ấy, không tiền bạc, quyền lực, thì anh chỉ còn tiếng nhạc với tất cả tấm lòng để làm cho mọi người vui.
Nhạc Trịnh Công Sơn sau 1975 chị thích những bài nào?
Có người cho rằng những bài hát của Trịnh Công Sơn sau này không hay bằng ngày trước. Ngày xưa nào là "trời ươm nắng cho mưa hồng", (Hát): "Ðường phượng bay mù không lối vào / hàng cây lá giao tình với nhau..." Ngày ấy cây lá còn lãng mạn, thơ mộng. Tuổi mình giờ lớn rồi, trải qua bao nhiêu dâu bể, tang thương thì nhạc cũng vậy thôi. Nghe những bài nhạc của anh Sơn sau này phải nghe kỹ, chịu khó suy nghĩ một tí mới hiểu được anh Sơn nhắn gửi điều gì. Như bài "Lặng lẽ nơi này", "Vẫn có em bên đời", hay "Vườn xưa", (Hát): "Vườn xưa vắng, giọt than cuối đông / trời chợt nắng vườn đây lá non / người lên tiếng hỏi người có không / người đi vắng về nơi bế bồng / đừng phai nhé một tấm lòng son..." Tuyệt vời nhất là: (Hát) "Em ra đi nơi này vẫn thế / vẫn có em trong tim của mẹ / vườn xưa vẫn có tiếng mẹ ru / có tiếng em thơ có chút nắng trong tiếng gà trưa..." Ðiều quan trọng nhất là "vẫn có những ước mơ" trong đầu người ta. Phú có đọc được những giấc mơ của một người không?
Không.
Phú có giết được những giấc mơ của người ta không?
Không.
Trong nước cấm vì bài này viết cho Khánh Ly. Ngoài này cũng không cho hát.
Còn bài nào nữa không?
(Hát): "Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên / chợt nghĩ quê hương lại nghĩ lại mình / tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống / vì đất nước cần một trái tim..." Ðất nước chỉ cần một trái tim thôi mà không có. (Hát): "và như thế tôi đến trong cuộc đời / tôi sống trong cuộc đời / bằng trái tim của tôi..." Như thế còn muốn cái gì hơn nữa. Ðòi hỏi cái gì hơn nữa ở một người nhạc sĩ đã rút hết tâm trí để nhắn gửi những lời đó.
Ðầu năm nay Trịnh Công Sơn được trao giải Âm nhạc vì Hòa bình, chị có thể cho biết cảm tưởng về sự kiện này?
So sánh những lời nhạc của Joan Baez hay Bob Dylan với Trịnh Công Sơn thì hoàn toàn không nghĩa lý gì, vì Baez và Dylan sống trong một xứ sở tự do, theo dõi tin tức qua truyền hình về những cái chết của những người lính Mỹ từ một nơi xa xôi. Họ không biết gì nhiều. Trong khi anh Sơn viết giữa cuộc chiến, với cái thâm thuý của một người Á Ðông, nên nhạc Trịnh Công Sơn, một câu thôi đã khiến bao nhiêu người suy diễn bao nhiêu cách khác nhau. Thành ra nếu nói về mơ ước hòa bình của một người sống trong một đất nước chiến tranh, thì đó là phần thưởng riêng cho anh Sơn. Tôi mừng vì đây là lần đầu tiên, sau Nhật Bổn, những Ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn đã được đánh giá một cách đứng đắn nhất bởi những thiên tài của âm nhạc thế giới, của Liên hiệp quốc.
Chị nghĩ sao khi mà những ca khúc đó còn bị cấm ở Việt Nam?
Tôi không hiểu. Cái đó Phú phải hỏi nhà nước.
Chị có muốn được hát lại trên quê hương mình?
Tôi muốn. Vì có nhiều người còn nhớ mình. Sau ngày 1 tháng 4 (ngày Trịnh Công Sơn qua đời) giới trẻ trong nước biết về tôi nhiều hơn. Có người ở Bắc viết thư nói, chúng cháu không ngờ chú Sơn và cô nổi tiếng như vậy. Có cháu tuổi 12, 13 viết kể rằng: "khi sinh ra thì cô đã đi rồi, mẹ cháu ru cháu ngủ thì cứ để nhạc của cô". Tôi rất muốn trở về, nhất là khi còn anh Sơn, để đi hát với anh ấy. Nhưng nghĩ lại khi bỏ nước ra đi mình đã phụ lòng những người yêu thương mình ở Việt Nam. Rồi bây giờ nếu mình về thì lại phụ lòng người ở đây nữa. Chẳng lẽ suốt cuộc đời mình cứ phụ mọi người sao. Nhưng nếu nhạc Trịnh Công Sơn, những Ca khúc Da vàng đầy tính nhân bản, được cho phép hát lại ở Việt Nam thì tôi cũng có thể trở về.
Thế hệ ca sĩ trẻ sau này như Hồng Nhung, Quang Dũng, Mỹ Linh cũng thể hiện nhạc Trịnh Công Sơn, chị có nhận xét gì về những giọng ca đó với nhạc Trịnh Công Sơn?
Tôi rất yêu những người hát nhạc Trịnh Công Sơn. Bởi vì tôi muốn nhạc Trịnh Công Sơn được mãi mãi có người nghe và nhớ đến anh ấy.
Một cách tự nguyện, tôi mang ơn những người hát nhạc Trịnh Công Sơn.
Ở Việt Nam giờ có khu vườn tưởng niệm Trịnh Công Sơn ở Bình Quới, chị có biết gì về nơi đó?
Khu đó họ cho anh Sơn lâu rồi. Anh Sơn tính làm khu nhà tình thương cho bạn bè, những ai không may hay thiếu thốn thì về đó ở. Anh Sơn rất thương bạn. Tiền bạc, quần áo, có là cho bạn. Mỗi lần đi Canada cũng vậy, trước khi về là các em của anh Sơn chia nhau đi mua quà cho bạn của anh ấy. Nhiều ít cũng là tấm lòng. Tôi có nói với anh Sơn là mai mốt em già, em về anh cho em một chỗ em ở.
Ðã sống qua cuộc chiến, nhìn lại chị có được kết luận gì?
Tôi thấy nó vô ích quá, phi lý quá. Cả hai miền bị mất mát quá nhiều mà đáng lẽ những điều đó không nên để xảy ra. Nhưng những người quyền lực hơn mình mà người ta không nói thì mình nói làm gì. Có người bảo tôi: "ca nương bất tri vong quốc hận". Tùy cái lòng của tôi, tôi đau cái nỗi đau chung của quê hương, không ai ép buộc được tôi. Ai cần tôi đóng góp, tôi làm. Tôi làm rất nhiều công tác xã hội, thiện nguyện, nhưng nhiều khi họ trả lại cho tôi bằng những cái tát tai. Tôi thấy cả hai miền đều làm những điều đáng nhẽ không nên làm.
Khi Khánh Ly ra sân khấu hát, có khán giả cho rằng Khánh Ly hay nói dài, đó là Khánh Ly hay chỉ là bản tính của người phụ nữ Việt?
Tại vì thế này. Có những bài nhạc của Trịnh Công Sơn nếu tôi không nói thì không dẫn vào bài được. Một phần những khách của tôi là những người sống với kỷ niệm nhiều. Có nhiều ông nói tôi thích nghe bà này hát, không thích nghe bà ấy nói nhiều. Có bà lại nói tôi thích nghe bà ấy nói, còn nghe hát thì ở nhà thiếu gì CD của bà ấy. Có những điều những bà, những ông gặp cảnh trái ngang không nói được với nhau, tôi nói chuyện của tôi họ thấy giống họ, nên tìm được niềm an ủi, chia sẻ, còn tôi cũng nói ra được điều mà nhiều khi mình không nói với chồng mình được. Lý do thứ hai, là đối với lớp trẻ, họ không dính líu gì đến cuộc chiến, họ không biết gì về quãng đời mà nhiều người chúng ta đã có với nhau rất hạnh phúc. Chúng tôi ca hát, chia sẻ với nhau ở Việt Nam những ngày trước 1975 như thế. Nói cho các em biết. Rồi các em suy nghĩ gì thì tùy. Ðiều quan trọng là mình chia sẻ. Ðó là những lý do mình phải nói. Không phải tôi chỉ có một tầng lớp khán giả, mà có đến ba, bốn lớp khán giả.
Ðối với những người yêu thích giọng hát của chị, chị có gì chia sẻ thêm không?
Tôi chỉ xin mọi người nhận từ nơi tôi sự biết ơn. Bởi vì ba mươi năm qua họ đã chia sẻ đồng lương mà họ làm được để tôi sống. Tức là họ đã nuôi tôi và các con tôi. Một lời cám ơn làm sao đủ. Ðến kiếp sau tôi cám ơn cũng không đủ nữa. Tôi rất biết ơn mọi người.
Chị đã làm bà nội, bà ngoại chưa? Rồi. Tôi là bà nội rồi. Mà tôi không buồn. Tôi nói với các con của tôi là không bao giờ mẹ xen vào đời sống của các con, các con lấy ai cũng được, Mỹ trắng, Mỹ đen hay Mỹ vàng, Mỹ đỏ cũng được. Nhưng đánh nhau thì ở trong nhà mà đánh nhau. Ðứa nào sa cơ lỡ vận thì về đây bố mẹ nuôi. Cứ luôn nghĩ rằng ở đây còn có mẹ, có bố. Thành ra các con tôi coi tôi như bạn, gần gũi với tôi. Nhưng tôi không giữ cháu. Tôi nói với các con là cuộc đời của mẹ từ lúc 16 tuổi đến giờ mẹ đã phải tự đi làm, làm công việc của một người mẹ và một người bố. Bây giờ là lúc mẹ nghỉ ngơi. Ðể mẹ có thời giờ làm những công việc khác cho người bất hạnh ở Việt Nam. Tôi sẽ không đi xin, nhưng mang sức ra hát, lập một quỹ. Tôi đã xin giấy tờ để lập ra một quỹ gọi là TrịnhCôngSơn-KhánhLy Foundation. Sau này dầu tôi ra đi thì những gì còn lại, các con tôi biết thì chúng bỏ vào quỹ đó để giúp trẻ em mồ côi ở Việt Nam.
Hồi ký của chị sắp ra đời chưa?
Nó không phải hồi ký đâu. Chỉ là ghi lại những kỷ niệm, những điều tôi biết về anh Sơn. Những điều mà chúng tôi nói với nhau, chia sẻ với nhau. Tôi muốn nói đúng, và sửa lại những cái sai mà người ta viết về anh Sơn. Nhiều người đã viết sai cả về chi tiết, về thời gian. Có người không hề là bạn anh Sơn, không hề thân mật tới độ như vậy mà bây giờ cũng nói là bạn anh Sơn, nuôi anh Sơn trong nhà thương, lo cho anh ấy cả tháng trời. Tôi chỉ muốn sửa lại những điều viết sai về anh ấy... Tôi đòi hỏi công đạo cho tất cả mọi người vì thế tôi không kết án ai. Tôi không bao giờ lấy sự may mắn của mình để kết tội những người bất hạnh ở lại. Bởi vì đối với tôi điều đó thiếu văn hoá và vô đạo đức. Mình phải thông cảm hoàn cảnh của người ở lại. Ðó là điều quan trọng nhất mà nhiều người đã quên. Ai cũng cho Tôi là đúng, cái Tôi đáng ghét. Cái Tôi là cái gì mà lên án, phê phán, chỉ trích người nọ, người kia. Sống không thương người ta, chết rồi làm cái gì? Làm văn tế ruồi à. Tôi thấy cái vô lý ở chỗ đó.
Mơ ước của chị trong quãng đời còn lại là gì?
Mơ ước thứ nhất là được đi theo anh Sơn một cách bình an. Như trong một giấc ngủ, sớm chừng nào tốt chừng ấy. Ðiều thứ hai là tôi mơ ước mọi điều tốt đẹp, thực sự tốt đẹp cho Việt Nam, cho những người nghèo khổ ở Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí Văn (California) số 92, tháng 8 năm 2004
http://www.trinh-cong-son.com/tcs.html
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home